Trúc Giang MN_ Nhận xét bài viết của Giao Chỉ Vũ Văn Lộc

NHẬN XÉT VỀ BÀI

“Văn Nghệ Ngày Xưa, Văn Nghệ Ngày Nay”

của tác giả Giao Chỉ Vũ Văn Lộc

Trúc Giang MN

Trong Email tựa đề “Giao Chỉ đứng ở chiến tuyến nào”? của đại úy nữ quân nhân QLVNCH Nguyễn Thị Bé Bảy, do Hoàng Ngọc An chuyển tới, Trúc Giang tôi xin góp ý, nêu nhận xét về bài viết Văn Nghệ Ngày Xưa, Văn Nghệ Ngày Nay như sau.

Tôi thuộc hàng hậu sinh, ở miền Nam, nên không hiểu nhiều về những nhà thơ, nhà văn của thời Nhân Văn Giai Phẩm và trước đó, nên bài viết nầy chỉ giới hạn từ đêm văn nghệ được tổ chức ở San Jose vừa qua mà thôi.

1* Ý # 1.

Cộng Sản không những chỉ thắng VNCH ở Sài Gòn mà còn đè bẹp Cộng đồng người Việt tỵ nạn CS ở Hoa Kỳ nữa

Trích từ bài viết của Giao Chỉ Vũ Văn Lộc:

“Khán giả ngày đó và khán giả ngày nay có 65 năm cách biệt”.

Tác giả cho biết, ông là nhân chứng của 2 đêm văn nghệ, xưa và nay, cách nhau 65 năm.

1.1. Văn nghệ xưa

Đêm văn nghệ xưa ở làng Bình Hải, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, với “ngọn đèn măng xong lúc tỏ lúc mờ”. Đêm văn nghệ ngày nay trên sân khấu đại hí viện San Jose to lớn, với 2,000 chỗ ngồi ở dưới nhà. “Với giá vé như thế và gần đầy rạp, quả thực là một tổ chức thành công”.

Điểm chính, cốt lõi của đêm văn nghệ ngày xưa là bài thơ “Bên kia sông Đuống”, là “con sông ngằm nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”. Từ đó, tác giả Giao Chỉ nhớ đến “Những chàng trai đã đứng lên đáp lời sông núi đó, ngày nay ở đâu?”. Tác giả cũng biết, mọi người cũng biết, những chàng trai đứng lên đáp lời sông núi đó ở trong Việt Minh, là một “Mặt trận” do Hồ Chí Minh và đảng CSVN lãnh đạo, mà đa số những thành phần trong mặt trận không phải là đảng viên CS. Và từ Việt Minh đến Việt Cộng và ngày nay hiện ở Hà Nội, nếu họ còn sống.

Đã biết rõ họ đang sống ở Hà Nội, mà còn nhắc đến, với mục đích muốn nhấn mạnh những tên Việt Cộng hiện tại là những chàng trai đã đứng lên đáp lời sông núi trước kia. Đó là VC là những người gọi là “yêu nước”, như họ đã tuyên truyền, và người viết bài “Văn Nghệ Ngày Xưa, Văn Nghệ Ngày Nay” muốn tuyên truyền cho họ.

1.2. Văn nghệ ngày nay

Cốt lõi của đêm văn nghệ ngày nay ở San Jose là “Mỹ Linh, Diva VN (Hà Nội) là người trình diễn chính”.

Giao Chỉ Vũ Văn Lộc không xử dụng từ ngữ thông thường là “ca sĩ trong nước”, “ca sĩ hải ngoại” mà cố tình dùng những chữ “ca sĩ Hà Nội, ca sĩ Sài Gòn”. Cố tình dùng 2 nhóm chữ Sài Gòn và Hà Nội để ám chỉ VNCH và CSBV. Có phải tất cả những ca sĩ từ Bằng Kiều, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Nguyễn Hồng Nhung, Trần Thu Hà, Thanh Lam đều là ca sĩ Hà Nội không? Tuấn Ngọc không phải là ca sĩ đang sống ở Sài Gòn. Tại sao phải đi quanh co, lươn lẹo để gán ghép vào hai nhóm Sài Gòn và Hà Nội?

Xin trích để chứng minh: “Trừ anh Tuấn Ngọc tạm gọi là ca sĩ Sài Gòn, còn lại tất cả đều là ca sĩ nổi tiếng Hà Nội, và ngày nay coi như đã định cư ở Hoa Kỳ.” Tại sao phải tạm gọi ca sĩ Tuấn Ngọc là ca sĩ Sài Gòn? Trong khi gốc gác, gia đình của anh đã sống ở Hoa Kỳ trên ba chục năm nay?

Rõ ràng là cha nội nầy muốn nhấn mạnh Cộng Sản Hà Nội đã đánh bại VNCH. Ý đồ nầy được thể hiện bởi sự so sánh đêm văn nghệ ngày nay ở San Jose “hoành tráng” và thành công hơn. Hà Nội chiếm thế thượng phong, vì ca sĩ Hà Nội Mỹ Linh là người trình diễn chính, một Diva Hà Nội.

Rõ ràng là có gian ý, nên mới quanh co như thế.

Phân tích trên cho thấy tác giả muốn nói Hà Nội thắng thế và đè bẹp Sài Gòn, hay là Cộng Sản Hà Nội đã đánh bại VNCH, không những chỉ thắng VNCH ở Sài Gòn, mà còn đè bẹp Cộng đồng tỵ nạn CS ở San Jose, Hoa Kỳ nữa.

Câu trích sau đây chứng minh thêm cái ý đồ đó: “Trải qua bao nhiêu cuộc chiến…Giữa những ngày tháng đó (46, 54, 63, 73, 75) biết bao nhiêu đêm văn nghệ “từ Hà Nội đến Sài Gòn” dưới những màu cờ khác nhau (từ Hà Nội là cờ đỏ sao vàng, đến Sài Gòn là cờ Mặt Trận DTGP/MN). Sau cùng, trên sân khấu đại hí viện San Jose như đêm nay, những ca sĩ thời danh của Hà Nội không hát Trường Sơn”. (hết trích). Những chữ cần lưu ý là “từ Hà Nội, đến Sài Gòn và “Sau Cùng”, muốn chỉ từ khởi điếm đến kết thúc, đó là một quảng thời gian từ 46, 54, 62, 73, 75.

Và tác giả cho rằng, kết quả là những thanh niên đứng lên đáp lời sông núi đã chiến thắng.

VC đã chiến thắng. Đó là sự thật, chẳng sai chút nào, nhưng điều khác biệt là nhắc đến điều đó, viết ra điều đó, với nhiều mục đích khác nhau, hoặc để ca ngợi, vinh danh hay để nhớ quốc nhục, quốc nạn, hoặc để kêu gọi đấu tranh hay để kêu gọi đầu hàng.

Mà ý đồ ở đây, rõ ràng là để ca ngợi và vinh danh VC bằng những từ ngữ, nào là “Diva VN”, “tất cả đều là ca sĩ nổi tiếng Hà Nội”, “đêm tổ chức thành công”, “khán giả đầy rạp”.

Một cây viết lão luyện, một kỹ thuật diễn đạt tinh vi, nhưng khi ra đòn thì bị phát hiện ngay, không che dấu được ai cả. Sơn Hào đã lộ diện trên báo Người Việt, vậy có phải đến phiên “Hải Vị” ra tay xuất chiêu hay không? Hay Sơn Hào và Hải Vị chỉ là một?

2* Ý # 2. Không phân biệt tốt xấu

Trích: “Khi đệ nhị thế chiến chấm dứt đất nước tiếp tục “chém giết nhau” từ 45 đến 75, vừa đúng nửa thế kỷ”.

“Cụm từ” “chém giết nhau” cho thấy thái độ của tác giả Giao Chỉ Vũ Văn Lộc là một người bàng quan, ngoại cuộc, đứng bên lề lịch sử đấu tranh đầy chính nghĩa và kiên cường của người dân nước Việt Nam Công Hoà. Đó là cuộc chiến để bảo vệ tự do dân chủ và đất nước của người dân miền Nam, chống lại sự bành trướng của Cộng Sản Quốc tế.

Ông cựu đại tá nầy không phân biệt được thị phi, phải trái, trắng đen, tốt xấu. Ông không biết tại sao đánh nhau? Ai đánh giết ai?

Những người nhìn cuộc chiến với thái độ bàng quan của kẻ ngoại cuộc, như là khán giả ngồi dưới khán đài để xem 2 võ sĩ đăng ký, ghi tên đánh nhau trên võ đài. Hai võ sĩ người VN đánh nhau trên võ đài, võ đài là nước VNCH, thì họ gọi là cuộc nội chiến, chém giết nhau, huyng đệ tương tàn, nồi da nấu thịt…

Cái sai lầm của thái độ bàng quan, ngoại cuộc là, không biết được lý do tại sao lại có đánh nhau. Ai đánh ai? Đánh nhau ở đâu? Cuộc chiến VN là cuộc chiến của một người bị tấn công, đánh để tự vệ, để bảo vệ tự do dân chủ, vì cuộc chiến xảy ra tại miền Nam, trước sân nhà của đồng bào miền Nam.

2.2. Cuộc chiến tự vệ đầy chính nghĩa của đồng bào miền Nam

Người miền Nam chiến đấu đầy chính nghĩa vì mục đích bảo vệ tự do, dân chủ cho đồng bào và nước VNCH. Điều nầy được chứng minh, khi VNCH bại trận, thì người dân mất tự do, mất dân chủ. Những người kiên cường chiến đấu cho chính nghĩa, thì bị VC cho rằng làm tay sai của đế quốc Mỹ. Những người bị tù cải tạo là những người vì cái lý tưởng bảo vệ tự do, dân chủ, nhưng bị bại trận và bị tù đày. Đó là những người rất được và phải được mọi người miền Nam mang ơn, tôn kính và trân trọng. Họ bị đày ải, khổ sở chỉ vì đồng bào ruột thịt miền Nam mà thôi. Đó là đạo lý. Những kẻ mạ lỵ họ phải đáng bị trừng trị.

2.3. Sự thật không thể chối cãi được

Sự thật rõ ràng trước mắt là CSBV dùng vũ khí của Nga, Tàu và của các nước Cộng Sản Đông Âu, như xe molotova, súng AK, xe tăng T-54, hoả tiễn, súng cối và ngay cả dép râu, nón cối…họ phát động chiến tranh và tấn công vào xâm chiếm miền Nam, để đưa cả nước vào chế độ độc tài CS từ 1975 đến ngày nay.

Sự thật không thể chối cãi được là, Hồ Chí Minh là tay sai CS quốc tế, được giáo dục, làm việc và ăn tiền của Đệ tam quốc tế CS.

Sự thật không thể chối cãi được là CSBV đã vượt vĩ tuyến 17, vượt sông Bến Hải, vượt Trường Sơn, vượt đường mòn HCM, đưa thế hệ “sinh Bắc tử Nam” vào tận sân nhà để giết hại đồng bào miền Nam bằng vũ khí của CS quốc tế. “Đảng CSVN là lá cờ đầu, là đội quân tiên phong, tiến hành làm cách mạng XHCN trên thế giới”.

Sự thật không thể chối cãi được là quân đội Hoa Kỳ đã vào miền Nam sau khi CSBV đã tràn ngập trên các mặt trận.

Sự thật không thể chối cãi được là CNCS là một chế độ tàn bạo, độc tài, và đảng CSVN hiện nay là một đảng tham nhũng, đã dùng chính sách công an trị để kềm kẹp, trấn áp và khủng bố nhân dân, nhất là những người yêu nước. Bất cứ ai đứng về phía bạo quyền, tàn bạo, cũng thuộc vào bọn lưu manh độc tài cả.

Giao Chỉ là một đại tá của VNCH mà không hiểu được những lý lẻ đó, tức là ông tự hủy bỏ tất cả những đóng góp của ông trong suốt quá trình từ một thiếu úy đến một đại tá, một quá trình đóng góp đáng lẻ phải được trân trọng. Chỉ trừ trường hợp ông là một tên Việt Cộng nằm vùng như đại tá Đinh Văn Đệ.

2.4. Câu chuyện của đại tá Đinh Văn Đệ

2.4.1. Đại tá nằm vùng

Sau năm 1975, nhiều người “bức xúc” khi thấy cựu dân biểu Đinh Văn Đệ ra vào làm việc trong Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Sài Gòn. Võ văn Kiệt cho biết : Hắn là người Cộng Sản mà không có đảng” (Il est Communist sans party)

2.4.2. Đinh Văn Đệ là lính VNCVH

Tờ báo Thanh Niên viết: “Ông Đinh Văn Đệ bị động viên đi lính rồi trở thành trung tá Chánh văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH (1954-1961). Làm Tỉnh trưởng Tuyên Đức kiêm Thị trưởng Đà Lạt (1963). Tỉnh trưởng Bình Thuận (1964-1967).

Năm 1967, ra ứng cử dân biểu Quốc hội. Giữ chức Chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng Hạ Viện. Tổng thống Thiệu cử ông làm “trưởng phái đoàn” sang Mỹ xin viện trợ khẩn cấp. Kết quả chuyến đi, ông Đệ được Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Miền Nam tặng thưởng Huân Chương Chiến Công hạng nhất.”

Đinh Văn Đệ phát biểu: “Tôi được giáo dục từ nhỏ, mang sẵn trong lòng tình yêu nước thực sự, yêu con người thực sự, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt chính thể. Bị động viên, tôi đành phải đi lính, và luôn luôn giữ cái tâm lành, trung thực, ngay thẳng. Bao nhiêu năm đeo lon, đeo súng, tôi không một lần sát sanh. Bây giờ xuất gia, theo đạo Cao Đài”.

Đinh Văn Đệ sinh năm 1924, mồ côi cha lúc 15 tuổi. Nhà nghèo, học hết Trung học đệ nhất cấp rồi ra đi dạy học, theo đạo Cao Đài.

2.4.3. Người có công xây dựng gián điệp U 4

Năm 1969, danh sách điệp viên của tình báo chiến lược Việt Cộng có thêm một tên mới, Đinh Văn Đệ, bí số U 4.

Người có công đầu, móc nối, tác động, xây dựng U 4, là Đinh Văn Út, chú của Đinh Văn Đệ. Út có bí danh là Chín Mẫn, sinh năm 1919 tại Châu Đốc. Chín Mẫn thuộc phòng tình báo T4 của Thành Ủy Sài Gòn Gia Định, thuộc Trung Ương Cục miền Nam, còn gọi là Cục R, B2 và “Ông Cụ”. T4 do Mười Hương phụ trách.

Năm 1969, Đinh Văn Đệ cung cấp tài liệu kinh tế hậu chiến của VNCH, chính Đệ lấy xe riêng đưa người và tài liệu đến nơi an toàn. Cũng năm nầy, Đệ thoả thuận và tiếp nhận toàn bộ qui ước liên lạc, mực mật, giấy viết mực mật, thuốc hiện mực mật, vật ngụy trang, mật khẩu giao liên… nói chung, Đinh Văn Đệ, Chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng Hạ Viện Quốc Hội VNCH, đã chính thức trở thành một gián điệp của Việt Cộng, mang bí số U 4 trực thuộc phòng Tình báo mật danh J.22 của Cục R (còn gọi là B2). Em của Đinh Văn Đệ là Đinh Văn Huệ, trước làm chính trị viên tiểu đoàn giao thông vũ trang thuộc J. 22

Đinh Văn Đệ kể những chiến công như sau.

1). Kế hoạch oanh kích Lộc Ninh

“Sau khi ta (VC) giải phóng Phước Long ngày 6-1-1975, đồng chí Phạm Hùng muốn biết địch (VNCH) có ý định tái chiếm Phước Long hay không? Tôi được giao phó nhiệm vụ trả lời câu hỏi nầy.

Trước hết, tôi điện qua Phủ Thủ Tướng, mời Tổng trưởng Quốc Phòng ra điều trần trước Hạ Viện, tại sao thất thủ Phước Long? Trách nhiệm của ai?

Tại buổi điều trần, Tổng trưởng QP đổ mồ hôi hột, bối rối vì bị chất vấn sôi nổi, tới tấp. Tôi binh vực và đề nghị, mỗi lần điều trần như thế nầy vất vả lắm, vậy Bộ QP cấp cho tôi cái giấy được tự do ra vào các nơi liên hệ, để hỏi trực tiếp các cấp chỉ huy phần hành. Thế rồi, với tờ giấy trong tay, tôi đến Phòng Hành Quân, thì gặp ngay người quen biết cũ, là một chuẩn tướng, ông ta nói: “Đại ca đừng lo. Ai lại dại gì kéo quân đi lấy lại nơi mà mình phòng thủ đã bị thất bại. Tôi sẽ trả thù bằng cách dội bom cho nát Lộc Ninh”.

Tôi báo cáo tin đó. Vài hôm sau, địch (VNCH) đã ném bom Lộc Ninh, nhưng quân ta tránh được thiệt hại.

2). Trung Ương Cục ở đâu?

Trung Ương Cục Miền Nam (TWCMN) hay Cục R, B2, “Ông Cụ”, là cơ quan đại diện cho Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, để chỉ đạo chiến trường miền Nam. Ban Anh ninh TWCMN do thiếu tướng Cao Đăng Chiếm phụ trách từ năm 74 đến 75.

Ban An Ninh T4 thuộc về Thành Ủy Sài Gòn Gia Định do Mười Hương phụ trách.

TWCMN hỏi tôi là địch (VNCH) có biết Cục R ở đâu không?

Tôi gọi điện qua Bộ QP/VNCH xin 3 chiếc trực thăng, cho tôi là Chủ tịch Ủy Ban QP/HV, cho Trung tướng Tôn Thất Đính, nghị sĩ, Chủ tịch UB/QP Thượng Viện và cho Trung tướng Trần Văn Đôn, Phó Thủ tướng, mỗi người một chiếc trực thăng, thành lập một phái đoàn đi ủy lạo binh sĩ đang cố thủ tại Pleiku, Đà Nẳng và Bến Cát (SĐ 5 đóng ở Bình Dương). Đi đến đâu tôi cũng hỏi các cấp chỉ huy “Địch nó biết rõ vị trí của ta, vậy ta có biết Cục R ở đâu không? Tôi đúc kết các câu trả lời và báo cáo về Cục R.

3). Xin viện trợ để cắt viện trợ

“Tôi tham gia phái đoàn sang Mỹ để xin viện trợ khẩn cấp, vì Thiệu ngoan cố, cố chống giữ. Phái đoàn chia nhau đi “vận động hành lang” với các cơ quan và chính khách Mỹ. Trước khi đi, tôi suy nghĩ, làm thế nào để vận động xin viện trợ mà kết quả là bị cắt viện trợ. Khi sang Mỹ, mỗi dân biểu, nghị sĩ đều có nhân viên của toà đại sứ đi kèm, nếu sơ hở là bị lộ ngay.

Với cái chiêu “nói vậy mà không phải vậy”, làm cho các đại biểu trong đoàn thấy tôi là người tận tâm, tha thiết nhất trong việc xin viện trợ để cứu chế độ Sài Gòn.

Với mục đích làm cho Mỹ nản chí và bỏ cuộc, tôi đưa ra hình ảnh của người lính VNCH không còn muốn chiến đấu, đã bỏ chạy bằng cách níu càng trực thăng, trốn ra khỏi chiến trường, thì người Mỹ hiểu ngay là họ phải làm gì.

Khi tiếp phái đoàn, Tổng thống G. Ford cho biết: “Thôi các bạn cứ yên tâm ra về, tôi sẽ cử một viên tướng qua thị sát tình hình rồi sẽ có quyết định sau”. Nghe vậy, tôi hiểu là Mỹ đã bỏ cuộc”.

Theo chỉ thị của trên, Đinh Văn Đệ đã đưa một gián điệp mang bí danh “Số 6” vừa tốt nghiệp cao học nước ngoài vào làm việc trong Ủy Ban QP của Hạ Viện QH/VNCH.

Năm 1972, tình báo Hà Nội đã nhận đầy đủ chi tiết về hệ thống tổ chức, về quân số ở các quân khu, về ngân khoản QP/VNCH, thậm chí còn nhận những khoản viện trợ không công khai cho VNCH, ẩn dưới chương trình PL (Program Law), thương mại hoá, tức không viện trợ bằng tiền, mà bằng hàng hoá, để VNCH bán lấy tiền dùng cho quân sự.

Sau khi 2 giao liên Ngô Viết Triều và Nguyễn Thị Thành bị bắt, cuối năm 1971, Đinh Văn Đệ được chuyển sang hoạt động đơn tuyến, nhận lịnh trực tiếp của Cục R thông qua một nữ tình báo giao liên.

Đinh Văn Đệ hiện sống ở Sài Gòn vẫn khỏe mạnh và nổi tiếng là một Thiên Vương Tinh đức cao trọng vọng của đạo Cao Đài.

Có một điều Đinh Văn Đệ dấu đầu lòi đuôi là “tôi luôn luôn có cái tâm lành, trung thực và ngay thẳng”. Một tên gián điệp phản quốc, sống dối trá, hành động phản bội mà còn cái gì gọi là tâm lành, trung thực, ngay thẳng cho được?

3* Ý# 3. Cái thâm độc của Giao Chỉ là không nhận ra nước Việt Nam Cộng Hòa

3.1. Ám chỉ Việt Nam Cộng Hòa là tay sai của đế quốc Mỹ

Trích: “Trải qua bao nhiêu cuộc chiến. Đánh Pháp rồi quốc cộng phân tranh từ 46 đến 54…Tiếp tục đánh Mỹ đến 73”. (ngưng trích)

Cái thâm độc của Giao Chỉ là che lấp sự hiện hữu của một quốc gia độc lập, có chủ quyền được quốc tế công nhận, đã ra đời ngày 26-10-1956, là nước Việt Nam Cộng Hoà.

Ông nói “đánh Pháp” rồi “đánh Mỹ” tức là ngụ ý cho biết nước VNCH, QLVNCH là “Việt gian tay sai của Mỹ” giống hệt như Sơn Hào đã viết trên báo Người Việt. Vì sự thật, chiến trường chính là CSBV đánh VNCH, chớ không phải Mỹ.

3.2. Chỉ có Cộng Sản Việt Nam mới dùng nhóm chữ “Đánh Mỹ cứu nước”

Giao Chỉ đã dùng nhóm chữ nầy chứng tỏ cha nội nầy đã nhảy qua “phía bên kia” rồi.

Trong thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ là đồng minh chính đã giải phóng và bảo vệ Tây Âu. Quân đội HK đã đến VN sau khi CSBV đã tràn ngập trên các chiến trường miền Nam. HK chiến đấu để chận đứng âm mưu bành trướng và nhuộm đỏ thế giới của CS Quốc Tế.

Rõ ràng là đã có 58 ngàn công dân HK đã hy sinh tánh mạng trên các chiến trường miền Nam. Nước Mỹ đã tốn phí nhân lực, tài lực và vật lực cho chiến trường VN. Mỹ ra đi vì quyền lợi của nước Mỹ, còn lại, một VNCH đã bị đánh bởi 3 thằng Cộng Sản, Nga, Tàu và CSBV. Ba đánh một, không chột cũng què.

VNCH bại trận, mất nước, là số phận của một nước nhược tiểu, cũng như trên thế giới có nhiều nước nhược tiểu bị xoá tên trên bản đồ.

4* Ý# 4. Một nhận định tầm bậy của Giao Chỉ Vũ Văn Lộc

Trích: “Cuộc chiến tương tàn thành vô nghĩa”.

Đây là một nhận định hoàn toàn sai do thiếu hiểu biết. Sự hy sinh tánh mạng của người dân nước VNCH không bao giờ là vô nghĩa cả. Đó là hy sinh vì chính nghĩa, “vì đại nghĩa để chống hung tàn” độc tài CS. Nhờ những hy sinh đó mà người dân miền Nam đã có tự do được 20 năm.

Người dân miền Nam đã hy sinh tánh mạng, hy sinh một phần thân thể, chịu tù đày trong các trại tù cải tạo. Tất cả những hy sinh đó đều vô cùng có ý nghĩa, rất xứng đáng được dân tộc tôn vinh và Tổ Quốc ghi ơn.

5* Ý # 5. Một nhận định bị chạm mát dây thần kinh

Trích: “Thắng bại cũng như không”.

Giao Chỉ lại mắc thêm một sai lầm nghiêm trọng, là đại tầm phào.

Dựa trên cơ sở nào mà cho rằng “thắng bại cũng như không?”. “Như không” sao được, khi mà người miền Nam mất nước? mất tự do, mất nhà cửa, mất tài sản và mất mạng trong các trại tù cải tạo hoặc trên đường chạy tìm tự do?

“Cũng như không” sao được? khi đại tá Vũ Văn Lộc phải từ bỏ quê hương đến ở đậu nằm nhờ tại HK? Trừ trường hợp ông đang trên đường công tác.

Hay là ông Giao Chỉ đã dựa trên một niềm tin nào đó, cho rằng, mọi vật có cũng như không? Được rồi lại mất? Nếu tin tưởng như thế là từ chối sự hiện hữu của mình. Chết trước hay chết sau gì cũng thế thôi, cho nên ai cũng có quyền tước đoạt mạng sống của ông Giao Chỉ?

Nếu thắng bại cũng như không, tức là không quan trọng, thế nhưng tại sao ông Giao Chỉ lại gây ra sóng gió? quậy phá, đề cao cái xấu là chế độ tàn bạo CSVN?

6* Kết

Nếu ông Giao Chỉ đã từng là một quân nhân chân chính, thì sự trở cờ nầy của ông đã hủy bỏ tất cả những đóng góp quý báu của ông trước kia.

Tóm lại, luận điệu của bài viết “Văn Nghệ Ngày Xưa, Văn Nghệ Ngày Nay” là ca ngợi và vinh danh Việt Cộng, đúng là một “Hải Vị” sau Sơn Hào trên báo Người Việt.

Quân đội VNCH không phải chỉ có một đại tá như Đinh Văn Đệ, một đại tá như Phạm Ngọc Thảo, một tướng như Nguyễn Hữu Hạnh, biết đâu còn rất nhiều tên VC nằm vùng như thế?

Đại tá Đinh Văn Đệ là một tên gián điệp hoàn hảo, tức là không bị phát giác trước ngày 30-4-1975, và nếu như Đinh Văn Đệ cũng di tản qua Mỹ, thì ngày nay, dưới cái vỏ bọc là một cựu đại tá VNCH, một cựu dân biểu Chủ tịch Ủy ban QP/HV, viết tầm bậy tầm bạ, lạc điệu, vinh danh VC, thì làm sao mà phát hiện ra tên gián điệp cho được. Chỉ chờ cho những tên gián điệp đó xuất chiêu thì mới bị lộ diện mà thôi.

Giao Chỉ đã xuất chiêu, và đã lộ diện.

Trúc Giang tôi rất đồng ý với những nhận xét của cựu đại úy NQN/VNCH Nguyễn Thị Bé Bảy và cũng ủng hộ ông Hoàng Ngọc An trong việc tẩy chay Giao Chỉ Vũ Văn Lộc.

Trúc Giang

Minnesota ngày 5-9-2012

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

Leave a comment