Ts Nguyễn Kim Quý chỉ trích tác phẩm ” Con gái của Sông Hương” c ủa Dương Như Nguyện và bài trả lời của ThaiQuangAnh

LGT: Đây là một dạng thuộc loại “Trong Nhà Ngoài Phố” của blog Chúng Tôi Muốn Tự Do.

Xin giới thiệu bài viết năm 2009 của ông TS Nguyễn Kim Quý từ Oreon với bút hiệu Kim Thanh, chỉ trích cuốn sách “Daughters of the River Huong” của tác giả Nicole Dương Như Nguyện, một nữ thẩm phán gốc Việt đến Hoa Kỳ năm 1975, cựu nữ sinh Trưng Vương, người đoạt giải Văn Chương Phụ Nữ của Tổng Thống năm 197. ên dưới là bài trả lời những chỉ trích của ông ThaiQuangAnh dành cho ông TS Nguyễn Kim Quý.

Trước khi đọc bài chỉ trích vô lý của ô Ts Nguyễn Kim Quý, xin mời đọc bài phỏng vấn Cô Dương Như Nguyện của Hoàng Lan Chi tại đây:

http://hoanglanchi.com/?p=2180

Hoàng Ngọc An

************************************************

PHÁP NGỮ TRONG SÁCH “CON GÁI CỦA SÔNG HƯƠNG” CỦA DƯƠNG NHƯ NGUYỆN

kim thanh

Bài này tôi đã không tính viết, vì thấy không đáng để bỏ nhiều thì giờ. Nhưng một người bạn đã hỏi tôi về những lỗi Pháp văn “quả tang” mà anh bắt gặp trong Cô Gái Của Sông Hương1. Tôi đã trả lời riêng cho anh, và vì những lỗi ấy khá nhiều, anh đề nghị và cố gắng thuyết phục tôi viết thành một bài để đăng báo. Trước là, anh nói, để góp thêm tài liệu, trên lãnh vực chuyên môn, về giá trị của quyển sách, sau là để những độc giả trẻ tuổi được hiểu rằng Pháp ngữ chính thống không phải như thế, nghĩa là như nhân vật Simone đã nói, đã viết. Một lý do nữa, theo anh: nhân vật –hay tác giả cũng vậy– đã tỏ ra khoe khoang về cá nhân, gia đình, và cái nền văn học thu nhặt được của Pháp (ví dụ, đã học trường Marie Curie Sài Gòn, trong gia đình nói tiếng Pháp với cha mẹ, ngụ tại Saint-Germain-des-Prés lúc mười bốn tuổi trong nhà của một cậu tây Paris, lúc nhỏ nghe lóm người lớn nói chuyện bằng ba ngôn ngữ Pháp, Anh, Việt, lớn lên làm thơ, vẽ tranh, hát nhạc opéra, thích la haute couture và qua suốt tác phẩm ưa xổ tiếng Pháp một cách không cần thiết) làm người đọc nhíu mày, nhưng ông văn sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, bạn và đồng hương Nha Trang của tôi, và nhà xuất bản Ravensyard không thấy nên nhắm mắt ca tác phẩm và tác giả không tiếc lời. Ðó là chưa nói đến những sai trái linh tinh đầy dẫy khác2.

Thực ra, anh bạn ưa thắc mắc của tôi, tuy không chủ tâm phê bình trình độ Pháp văn trong nguyên tác Anh ngữ, Daughters of the River Huong, và một tác phẩm khác của tác giả Dương Như Nguyện, Chín Chữ Của Nàng –cả hai tôi đều không được đọc– cũng đã nêu lên, và sửa lại vài lỗi sơ đẳng mà tác giả nếu không vì cẩu thả hoặc khinh thường độc giả đã có thể dễ dàng tránh khỏi. Trong CGCSH, hầu như chữ hoặc câu Pháp văn nào của Simone cũng đều sai hay không chuẩn, hoặc về chính tả, ngữ vựng, văn phạm, hoặc dịch thuật, v.v… một cách không thể ngờ đối với một nhân vật luôn tự hào là trong gia đình “không ai […] phủ nhận là Paris và ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp có giá trị giáo dục rất cao.” (CGCSH, 225).

1. Chính tả (Orthographe):

Escapin (159, 249): tức escarpin, giày hở cổ chân, đế mỏng.

Au claire de La Lune (161, 175, 183): clair nếu là danh từ (= ánh sáng) không có e, La Lune viết chữ thường và tùy trường hợp có hay không article la. Sửa cho đúng: Au clair de (la) lune (tiếng Anh moonlight). Về nhạc, có Clair de lune của Debussy, và Moonlight,Sonata, OP27của Beethoven. Trong các bài hát dân gian Pháp, có Au clair de la lune… mon ami Pierrot3.

La Valse de Venice (161), Carnivale de Venice (183): Venice, tiếng Anh, Venise mới là chữ Pháp. Pháp không có carnivale, mà chỉ carnaval, Anh ngữ cũng không có carnivale, mà carnival.

– Jeanne D’Arc (161): D’ phải viết chữ thường: Jeanne d’Arc.

Flanc (164): Nhân vật muốn nói bánh flan, không phải xương sườn (flanc).

Gateaux au rum (171), petit beurre (171, 231, 284): Rượu rum là tiếng Anh, tiếng Pháp phải là rhum. Bánh gâteaux có dấu mũ (accent circonflexe).Bánh petitbeurre có gạch nối (trait d’union).

Resemble (174): động từ ressembler (giống) có hai s.

Nouveau riche (179): trong mạch văn (contexte) phải ở pluriel (số nhiều): les nouveaux riches (những kẻ mới giàu).

Qu’est ce que (181): Phải có gạch nối: Qu’estce que…

Pole Nord (194): tên một tiệm kem ở Sài Gòn trước kia. Pôle có dấu mũ.

Champs Elysées (195, 258), Champs Elyseés (229), Champs d’Elysée (308): bốn lần đều viết sai để chỉ nói một chữ: Champs-Élysées4 (duy nhất đúng).

Rimbaux, Appollinaire (207): Hai thi sĩ Rimbaud và Apollinaire sắp kiện tác giả về tội dám sửa tên của họ.

Antibe (228): Phải thêm s. Antibes.

Sacré Coeur (228): Basilique du SacréCœur (có gạch nối).

Citroen (229): Xe Citroën. ë tréma chỉ cách đọc (ë đọc tách khỏi o, như No-ël).

(à la) peine (242): “Chàng đọc mấy câu thơ đương đại của Jacques Prevert. Les feuilles mortes qui se ramassent à la peine… Toi, qui m’aimais… Moi, qui t’amais.” Chỉ viết một câu mà đã phạm đến bốn lỗi: a) đọc sai thơ. b) không có thi sĩ “đương đại” nào tên Prevert, mà chỉ Prévert.c) peine là hình phạt hay đau khổ; à peine: vừa mới; avec peine, à grand-peine: một cách vất vả; mourir à la peine: chết vì làm việc. Còn người ta xúc (hốt) những lá chết “à la peine” thì tôi chịu thua. Câu thơ chính xác là: les feuilles mortes [dư pronom relatif
qui] se ramassent à la pelle, tức là bằng cái xẻng. d) Moi [không
phẩy] qui t’aimais, chứ không phải t’amais (vô nghĩa)5.

T’en souviens tu (243): T’en souvienstu.

Receuillement (268): Không có bài thơ nào với tựa đề như thế trong thi phẩm của Baudelaire, chỉ có Recueillement (mặc niệm). Tôi sẽ trở lại với bài thơ này vì một lỗi khác (dịch sai).

Allo (283): đúng âm, phải viết allô.

S’il vous plait (283): phải viết s’il vous plaît (î với dấu mũ).

Crie (de ma conscience) (294): “tiếng than của lương tâm”, tác giả dịch (sai). Cri không có e, và có nghĩa là “tiếng kêu”.

2. Từ ngữ (Vocabulaire):

Si (171): Nhân vật viết: “Si. Si. Si. Như tên Pháp của một nốt nhạc trên phím dương cầm.” Không. Tên những nốt nhạc, trong đó có Si, bắt nguồn từ câu đầu tiên của bài thánh thi bằng tiếng Latin tôn vinh thánh Jean-Baptiste6.

– Ma chérie (171, 174): Cậu Tây André gọi Simone như thế. Chữ này, cũng như darling trong Anh ngữ, chỉ dùng cho người thân thiết (vợ chồng, con cái).

Grandfils (176): Lỗi này chứng tỏ nhân vật không làm chủ ngôn ngữ cả Anh lẫn Pháp. Cháu nội, cháu ngoại trai, Anh ngữ là “grandson”, tiếng Pháp không phải là grandfils petit-fils (grand trở thành petit)7.

Bis, bis (184): “Khách khứa nhao nhao kêu bằng tiếng Pháp ‘bis, bis’, muốn tôi đàn thêm nữa”. Bis không phải tiếng Pháp, mà Latin (có nghĩa “hai lần”, “lần thứ hai”, “trùng số”), đã trở thành trạng từ quốc tế, kể cả trong tiếng Việt8.

Fleurs de lys (196): lys, lis là hoa huệ, không cần thêm fleurs (hoa). Fleurs de lys là nhóm chữ dùng để chỉ hình hoa huệ trên huy hiệu hoàng gia Pháp xưa kia.

Manteau (240): André “khoác chiếc áo manteau của mình…” Cùng có nghĩa áo choàng ngoài như pardessus, nhưng manteau thường (không bắt buộc) dành cho phụ nữ, đàn ông thì khoác pardessus.

Putains, putains (244, 250): Simone khi đến khách sạn bán mình cho một ông Mỹ để thoát khỏi Việt Nam: “Tôi cũng còn nghe thấy tiếng người quản lý Pháp của khách sạn Continental tại Sài Gòn kêu ‘putains, putains’ (gái điếm, gái điếm) với những cô gái Việt Nam (…)”. Làm gì còn anh Tây nào, dù là Tây đen, quản lý khách sạn Sài Gòn vào tháng 4/1975? Và nếu có, Tây không chửi phụ nữ, càng không mắng ai là putain (vì đó là một nghề không xấu đối với họ). Có lẽ nhân vật chưa nghe Tây mắng đuổi ai bao giờ, đâu phải ngắn gọn, đơn giản như vậy!9

Bébé (254, 257, 268): André trìu mến gọi Simone như thế, dù cô đã lớn. Gọi ai bébé không thấy trong văn chương Pháp cũng như ngoài đời. Có lẽ nhân vật dịch (đại) chữ baby, babe của Mỹ?

Salaud (283): Nhân vật gọi điện thoại cho Dominique, nhưng không lên tiếng, làm bà nổi nóng: “- Allo, allo, qui est là? […] –Parlez, s’il vous plait [sai chính tả]. Qui est là? […] Tôi không nói nên lời. -Ecoute, toi, salaud.” Chưa nghe ai lên tiếng, chưa biết ai gọi mà dám chửi là salaud (salope, nếu giống cái, “khốn kiếp”) thì điều này chỉ có trong trí tưởng tượng của nhân vật hoặc bà Dominique quả là một mụ đầm điên khùng, vô học. Lại nữa: “Ecoute, toi, salaud” là tiếng Tây… ba-lô, nghĩa là chắp chữ từ tiếng Mỹ10.

3. Văn phạm (Grammaire):

Il te resemble [sai
chính tả], un garçon (174): Ở câu trước, hai nhân vật đang nói chuyện, dĩ nhiên bằng tiếng Pháp, về những con búp bê, và “con búp bê trai là búp bê ưa chuộng nhất của tôi.” Poupée, dù là trai hay gái, phải ở giống cái (féminin), cho nên il dùng sai, phải là elle. Nếu muốn cho André và độc giả hiểu đó là “con búp bê trai” giống như André cũng là một anh con trai, tác giả phải viết kiểu khác. Lại nữa, un garçon trong câu có vẻ gượng ép trên, về văn phạm, là một tiếng đồng cách (mis en apposition), nhưng chỉ ai, con búp bê, hay André?11

avec les cheveux (175): Simone nói: “Et moi, je suis une fille, avec les cheveux longues”: cheveux (tóc)thuộc giống đực (masculin) nên longues (dài) phải là longs: “longs cheveux”chứ. Pháp không nói: une fille, avec les cheveux longs, mà une fille aux longs12cheveux.

Il est très chaud (186): Trong buổi tiếp tân tại nhà Simone sau buổi trình diễn nhạc,Dominique than ở đây trời rất nóng: “Il est très chaud ici”.Sai. Khi muốn nói “trời nóng, trời lạnh”, Tây có động từ il fait chaud, froid –điều ai cũng biết qua bài học Pháp văn sơ đẳng13.

La Seconde (207): “và khi tôi lên lớp Ðệ tam, La Seconde”. Phải là (entrer) enseconde (không viết hoa). Ðệ tam hay đệ nhị?

Poseur (284): người kiểu cách, giả tạo. “Dominique đang gọi tôi là poseur”: Tôi, Simone, một cô gái, thì phải gọi là poseuse chứ!

4. Ngữ pháp (locution, expression):

Je m’appelle Si (171): nhân vật tự giới thiệu. Si gọi tắt, thân mật cho Simone là điều lạ và hiếm, hoặc không có trong tên Pháp14.

Il te resemble, un garçon [đã sửa] -Oui, moi, je suis un garçon -Et moi, je suis une fille, avec les cheveux longues [đã sửa] -Et toi, une fille très jolie (174-175). Ðó là mẩu đối thoại giữa một anh Tây Paris và một chị Việt ở Huế. Nghe như hai người đang học tiếng Pháp lớp vỡ lòng (dịch từng chữ từ tiếng Việt15). Rõ khổ, ai bắt viết tiếng Pháp?

Je suis une jeune fille, aussi (181): Phải là Je suis une jeune fille, moi aussi (me too),hay Mais moi aussi, je suis une jeune fille!

Un gros baiser (185): Thường người ta nói: une grosse bise hoặc un gros bisou (thân ái hơn).

Très bien (185): Very well. Très bien về cái gì? Muốn khen tài đánh đàn, có thiếu gì cách khác16?

– (Mon) professeur(206, 210): Học sinh hay sinh viên Pháp ít (hay không) gọi thầy cô giáo như thế. Chỉ Monsieur, Madame, Mademoiselle là đủ. Nhân vật dịch từ tiếng Việt (“thưa thầy”)?

Je veux emprunter ton âme (216): Nên viết rõ: Je veux t’emprunter ton âme.

Nous ne sommes pas amoureux, c’est impossible, c’est formidable (232): như tĩnh từ, amoureux phải có túc từ (de qui, de quoi, ai, cái gì?). Ở câu này, nó là danh từ (những kẻ yêu nhau, amants). Nên thêm article: Nous ne sommes pas des amoureux. Rồi c’est ở hai vế sau: đó là điều không thể xảy ra, là điều (nếu xảy ra) sẽ rất tuyệt, cần viết lại: Nous ne sommes pas des amoureux, ce quiest impossible, ce qui serait formidable.

Je t’adore éternellement (236): “Anh tôn thờ em đời đời”, André nói với Simone. Cậu này thậm xưng và hơi “cải lương” đấy. Dùng chữ à jamais, hay toujours, pour toujours đủ rồi.

déjà vu (279): Tiếng Pháp, phải có gạch nối, déjàvu,danh từ không thay đổi (invariable), chỉ một sự tầm thường, không gì độc đáo. Tiếng Anh có nghĩa khác. Nhân vật chọn nghĩa nào?17

5. Dịch thuật(Traduction):

-Bài thơ “Recueillement”: Ma douleur, donne-moi la main… Et, comme un long linceul trainant à l’Orient, ma chère, entends la douce nuit qui marche… (168). Không trích thơ thì thôi, mà đã trích là phải hết câu, hết đoạn, chưa nói việc trích sai và sai chính tả (trainant, và hai chữ viết hoa trong nguyên bản: Douleur, Nuit). Rồi tán nhảm, tự tiện giảng nghĩa, ví dụ: l’Orient (phía đông), cô ta hiểu là “quê nhà”, v.v…18

-Bài “L’invitation au voyage” cũng có những câu bị trích thiếu và dịch ẩu (209): Sa douce langue natale (“Tiếng mẹ đẻ thốt lên ngọt ngào”)… Aimer à loisir (“Yêu trong thư thái”)… Au pays qui te ressemble (“Trong quê hương mang sắc thái của em”)… Ở trang 276, câu chót lại bị dịch sai lần nữa: “Trong quê hương mang hình dáng của em”19.

– “C’est l’heure, Poète, de decliner [sai chính tả] ton nom, et ta race. Thi sĩ ơi, đã đến lúc phải từ bỏ tên tuổi dòng giống của mình. –Leger” (216): Bốn cái sai: vừa trích sai câu thơ, vừa chép sai chính tả, vừa dịch sai, vừa ghi sai tên tác giả. Không có thi sĩ Pháp nào tên Leger, mà chỉ Saint-John Perse, tên thật là Alexis Saint-Léger Léger20. Câu này trích từ bài Exil (Lưu đày, VII), nguyên văn là: “Et c’est l’heure, ô Poète, de décliner ton nom, ta naissance, et ta race…” Theo mạch thơ và ngữ học, động từ décliner ở đây có nghĩa là “khai rõ”, trái ngược với “từ khước” như nghĩa thường của nó vàcủa tiếng Anh (to decline).

Je veux emprunter ton âme (216): Nhân vật dịch ton âme thành “trái tim nồng nhiệt của anh”, thay vì “mượn hồn anh”. Chữ “nồng nhiệt” ở đâu ra?

Tes pas enfants de mon silence. T’en [?] souviens tu [sai chính tả] de mes pieds nus? (243) bị Simone dịch ẩu: “Những bước chân trẻ con của em… Sự im lặng của mình… Có nhớ gót chân không giầy của em không?” Hai câu này bị trích sai từ bài thơ “Les Pas” của Paul Valéry (nhưng Simone cứ tưởng là của cậu Tây André làm, mà cậu này hoặc lờ không nói hoặc không biết là thơ của Valéry)21.

Les yeux battus la mine triste et les joues blêmes (285-286): Bài “Bambino” (nhân vật quên tựa đề?) do Dalida hát. Ít ra phải có dấu phẩy sau battus. Joues blêmes không có nghĩa “má hỏm sâu” như nhân vật dịch, mà là tái nhợt.

Mon amour […], ma tendresse (294): bị dịch là “Người yêu của tôi, mối tình êm dịu của tôi”. Amour, tình yêu, tendresse, sự trìu mến. Thế thôi!

6. Hiểu biết hạn chế về văn chương, văn hóa Pháp:

Baudelaire: Qua suốt CGCSH, cậu Tây Paris chỉ biết, và truyền cho cô gái Huế về văn chương Pháp, có mỗi thi sĩ Baudelaire và tập Fleurs du Mal [sic], ngoài Saint-John Perse và Valéry (mà tôi đã mách tên cho). Lúc nào cũng “ngâm” thơ Baudelaire, có trang nhắc đến hai lần: 167, 168×2, 169×2, 170, 209, 210×2, 213×2, 233, 268, 274, 276, 277, 296, 360, 361. Cô cậu không nói tại sao lại mê Baudelaire đến thế. Chỉ biết cả hai trích sai nhan đề thi phẩm của ông (tự động bỏ article Les): Phải là Les Fleurs du Mal, và dịch thiếu: theo nội dung tập thơ, Mal, ngoài nghĩa “đau thương” (169), còn là “sự ác” –điều mà cô cậu không thấy22.

Alphonse Daudet, Anatole France (198, 199): Simone kể: “[Ở Sài Gòn] mắt tôi vẫn còn nhìn những hình ảnh của miền đồng quê Pháp, và trí óc tôi vẫn còn đầy những chi tiết về cuộc sống hàng ngày của trẻ con Pháp, do những ngòi bút tuyệt diệu như Alphonse Daudet và Anatole France diễn tả.” Không đúng. Thực ra hai văn sĩ này sống và viết tại Paris, hoạt động chính trị, có tác phẩm tự truyện kể lại thời niên thiếu của mình, không hẳn ở đồng quê. Làm gì có “những chi tiết về cuộc sống hàng ngày của trẻ con [đồng quê] Pháp”? Nhân vật cho hai ông là “những ngòi bút tuyệt diệu”, nhưng văn học sử Pháp lại không nghĩ như thế23.

Paris Match (157×2, 160, 171×2, 180, 185, 226×2, 230): báo Pháp có rất nhiều, nhưng nhân vật chỉ biết Paris Match, tạp chí phát hành rộng rãi tại Việt Nam vào thời ấy, mà người ta thích vì những bức ảnh thông tin, thời sự sốt dẻo, chứ chẳng bởi giá trị văn học, văn chương cao. Tại Paris, Simone nói thấy có tờ Le Monde trong tay André (239).

Indochine (tức Ðông Dương,thay vì Việt Nam Cộng Hòa lúc ấy). Cậu bị ám ảnh bởi Indochine, xem như hiện thân của nhân vật (169, 172, 177×3, 178×3, 189, 210, 211, 212, 247, 274×3, 275, 283, 307, 309×2, 362), cái tên sặc mùi (hậu) thực dân, khiến ta nhớ đến sách của Marguerite Duras và phim Indochine do Catherine Deneuve thủ vai chính24.

7. Những vấn đề liên quan tới Pháp:

Chuyện đi Pháp ngụ tại nhà “tonton” André và “tata” Dominique, năm 1970, lúc mới mười lăm tuổi (224): cha mẹ nào dám cho con gái còn nhỏ, không thân nhân tại Pháp, đi xa như thế, để sống với vợ chồng một cậu Tây mới quen, cháu nội của một viên cựu Khâm sứ loại đại thực dân (84)? Thời ấy đi Pháp du học không dễ, kể cả nữ sinh viên ban Pháp văn. Rồi ai đài thọ tiền (cha, một giáo sư đại học, phải đi dạy thêm trường tư để kiếm tiền cho con học trường tây tại Sài Gòn, 198)? Trình độ Pháp ngữ của cô như thế làm sao trường nào dám nhận “ngang xương” và cho “học cho hết năm” (222)? Nhân vật không nói tên trường mình theo học ở Paris! Rồi lại “thường cúp cua đi lang thang trong khu Quartier Latin” (231), cứ làm như mình là một sinh viên Sorbonne không bằng (học sinh thường cúp cua đi chơi mà không bị trường trung học Pháp vốn rất khó, cũng như trường Mỹ, trước kia và bây giờ, phạt, cũng lạ!).

Khu Saint-Germain-des-Prés (231, 238, 351, 352): Nhân vật đã ở khu này thật không? Không thấy viết đến những đặc điểm của khu: di tích lịch sử, như những nhà thờ, tu viện cổ nổi tiếng, bảo tàng viện (Rodin), tháp (tour) Montparnasse, nhà hàng, Quai Voltaire mà Baudelaire, thi sĩ cưng của André, đã ở, Boul’Mich’, rue des Grands-Augustins –nơi Picasso đã vẽ tuyệt phẩm Guernica, 1937, v.v… Nhân vật thấy bảng hiệu “tên con đường là St. Germain des Prés”(238). Có con đường ấy thật không, hay là Boulevard Saint-Germain? Ở khu đó, sao không nhắc đến gare Montparnasse, mà lại “ga Lyon [xa hơn] có ánh đèn vàng vọt tỏa vào đêm tuyết” (230, lại bắt chước ông Cung Trầm Tưởng rồi! Không có ga nào của Pháp có đèn vàng, toàn là đèn sáng trưng).Những gì được Simone tả về khu Saint-Germain-des-Prés đều mang tính cách chung cho Tout-Paris, ví dụ “những vòm cây trụi lá” (231) vào mùa thu, mùa đông, hoặc “những trẻ đồi trụy” (227), thì nơi nào chả có?

La Cité (228): Nhân vật nói đi chơi trong La Cité, cái nôi của Paris,mà không nhắc hai nhà thờ Notre-Dame, Sainte-Chapelle, và Palais de Justice, nhưng lại nói có khu Montmartre và nhà thờ Sacré-Cœur, là những địa điểm, về “kỹ thuật”, không thuộc về La Cité.

Học hát opéra tại Roma (229): Ở Pháp không có nhạc viện nào sao mà phải sang tận Roma? Nhạc viện nào bên đó (La Scala thìở Milan)? Ai trả học phí? Học hát mà chỉ biết có mỗi một bài tiếng Latin Salve Regina được nhắc đi nhắc lại mãi? Không có một câu nào về thành phố Roma và đặc điểm của nó để ít ra chứng minh mình đã ở đó thật dù là một thời gian ngắn?

Bị tonton André chiếm đoạt trinh tiết với sự đồng lõa của cô –đứa cháu hờ khác chủng tộc, kém tiếng Pháp nhưng thạo nghề quá sớm, trong “một phút thoát hồn […] lặp lại trò chơi cưỡi ngựa của thời thơ ấu” (241). Rồi “chàng nằm lặng yên, hơi thở rồn rập, rồi bật khóc.” Tại sao “chàng” khóc? Bắt chước anh Tàu Chợ Lớn của Marguerite Duras25? Hối hận, hay lo sợ bị kết tội dụ dỗ gái vị thành niên?

Học Lycée Marie Curie (205, 219, 234, 325, 329, 330, 359): Các trường Pháp ở Việt Nam vào, hoặc trước, thập niên 60 hoàn toàn dạy theo chương trình Pháp và các đề thi được gửi từ Paris sang. Nhưng từ 1970 (?) hoặc sớm hơn, đã bị chính phủ Việt Nam tịch thu để dạy theo chương trình Việt26. Simone nói đã xong trung học tại Marie Curie, đậu Tú Tài sau 1971 (234), nhưng không cho biết theo chương trình nào.

8. Những ngoại ngữ khác:

Simone trích dịch luôn tiếng Ý, Latin và Ðức (mà trong sách tác giả không nói đã học ở đâu):

– Tiếng Ý:
a) “Lacrimosa son io, perduto bo l’idol moi. Tôi sầu muộn. Tôi đã đánh mất thần tượng của tôi rồi” (234)27. Son io (I am) phải là sono io, hoặc son’ io (vì âm điệu). Perdere (to lose, mất), động từ bất qui tắc, có participo passato là perso. Ho (I have, tôi đã, chứ không bo). Idolo (idol, thần tượng, không phải l’idol). Mio (my, của tôi, không moi). Câu hát đúng phải là: Lacrimosa io sono, (io) ho perso il mio idolo.

b) Bravo, brava: “Bravo là tiếng khen cho nam ca sĩ. Brava cho nữ ca sĩ, chàng bảo tôi ngày nào đó ở Rome” (236): Thực ra, bravo, bravissimo là tán thán từ khen ngợi bởi tiếng Ý (well, giỏi), trở thành quốc tế, không thay đổi. Dùng như tĩnh từ (good) nó đổi thành brava, dĩ nhiên, nhưng không áp dụng cho trường hợp vỗ tay khen trên.

Tiếng Latin:

a) Bài Salve Regina, kinh cầu Ðức Mẹ Maria của người Công giáo,là một trong hai bài hát mà nhân vật đã học ở Roma (bài kia là Lacrimosa bằng tiếng Ý vừa nói trên). Ðược nhắc đến bảy lần (229×3, 230, 235, 236, 243) mà lần nào cũng sai những lỗi khác nhau, chưa kể dịch sai28.

b) Lại nữa, trong thư cậu Tây André gửi cho Simone có một câu Latin mà cậu không cho biết đã chế ra hoặc trích từ đâu: “Nec amor, nec tussi [sai chính tả, phải là tussis) celatur” được cô trích và dịch sai:
“Tình yêu như một cơn ho. Không thể dấu giếm được” (260). Ở đoạn sau,
được nhắc lại dưới dạng khác và lời dịch khác: “Nec amo [viết sai,
amor), nec tussis
celatur. Tình yêu như một cơn ho. Không che giấu được”
(360, 361). Cả ba lần
đều sai một chút gì. Câu này, thực ra, là Amor tussisque non celatur
(tình yêu và cơn ho không giấu được), một trong những câu cách ngôn Latin mà tác
giả Wilhelm Binder đã thu thập được29.

Tiếng
Ðức
:

a) Nhân vật nhắc đến bài Elegischer
Gesang,
op 118, Sanft wie du lebtest hast du vollendet của Beethoven
(170, 296, 363). Quả thật, Beethoven có viết bài đó cho bốn giọng hoặc bốn đàn
giây thuộc gia đình vĩ cầm (string quartet / quatuor à cordes). Vì không có
trong tay nguyên bản bài hát, tôi không thể so sánh với câu mà nhân vật đã trích
và dịch30.

b) Ngoài ra, một điều chắc chắn: nhân vật
đã hai lần viết sai (chính tả) đầu đề bản Traumerei của Schumann (235×2)
(đúng ra phải là Träumerie).

Công bằng mà nói, nhân vật trong vài trường hợp cũng đã
tỏ ra lương thiện khi tự đánh giá trình độ về Pháp văn và văn hóa Pháp mà cô hàm
ý cho là yếu kém của mình. Ví dụ: tại Paris, cô “nói một thứ tiếng ngoại quốc
[tức tiếng Pháp không chuẩn] trong khi bị người ta chế riễu khi nói” (228). Hay: hai vợ chồng André cãi vã nhau “nói nhanh như chớp làm tôi không hiểu gì cả” (230). Hay: “tôi không biết đồ ăn Pháp” (226), “tập ăn phô-mát, kể cả ca-măm-be, và thấy cũng thích” (231). Hay: “Học bạ của tôi thì thật là tai hại, tuy về Pháp văn thì có tiến bộ” (232). Hay: khi từ Mỹ gọi điện thoại cho vợ cũ của André: “Tôi ấp úng mấy câu chào hỏi ngắn bằng tiếng Pháp không dùng lâu ngày đã rỉ”(283). Cả hai nói bằng tiếng Anh về André –điều mà nhân vật không muốn nghe: “Tôi ước là bà trở lại với tiếng Pháp; tôi không muốn hiểu rõ” (285) [có lẽ vì kém tiếng Pháp]. Về tiếng Latin trong bài Salve Regina, nhân vật thú nhận hát “mà không cần hiểu rõ và dịch nghĩa” (229, nhưng cô vẫn cứ dịch, và dịch sai).

Kết luận:

Kém sinh ngữ, nhất là tiếng Pháp, không sao hết. Nhưng cứ khoe mẽ băng cách trích ra, dịch ra một cách không cần thiết và không đúng những câu ngoại ngữ, hãnh diện cho mình và gia đình thấm nhuần văn hóa Pháp, thuộc đẳng cấp xã hội cao trọng, văn minh hơn người (124, 219, 220, 225, 232, 252-254), đó mới là điều bắt độc giả phải lên tiếng phê bình, chỉ trích31.

CHÚ THÍCH

1. Con Gái Của Sông Hương, CGCSH, 2005, không đề tên nhà xuất bản, được dịch bởi Linh Chân Brown từ nguyên tác Daughters of the River Huong của Dương Như Nguyện.

2. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng “ca” tác giả Dương Như Nguyện, cf. nguyệt san Khởi Hành số 108 (được trích lại vài đoạn bởi tác giả Nguyễn Tà Cúc); bài phỏng vấn của nhà xuất bản RavensYard (Ravensyard?) tháng 7/2005, được in trong CGCSH, tr. 373-390.

3. Nguyên văn bài hát: Au clair de la lune / Mon ami Pierrot / Prête-moi ta plume / Pour écrire un mot / Ma chandelle est morte / Je n’ai plus de feu / Ouvre-moi la porte / Pour l’amour de Dieu, v.v… Chắc nhân vật tập đánh đàn bài này trong “Méthode Rose”.

4. champs Élysées (c viết thường): theo thần thoại là nơi trú ngụ dưới âm phủ cho linh hồn của các bậc anh hùng và người đạo đức. Champs-Élysées: tên một đại lộ và một hí viện (théâtre) ở Paris. Palais de l’Élysée: dinh tổng thống Pháp.

5. Bài thơ này được Joseph Kosma phổ nhạc và Cora Vaucaire, Yves Montand, Juliette Greco hát. Tôi đoán nhân vật trích lại từ bài hát, nên mới nghe sai như vậy.

6. Bài thánh thi : UT queant laxis REsonare fibris MIra gestorum FAmuli tuorum SOLve polluti LAbii reatum, Sancte Johannes (SI). Cũng sai tương tự, trong một bài trên mạng, “Chiếc phong cầm của bố tôi” (được một tờ báo địa phương Oregon, Oregon Thời Báo, đăng lại, sô 207, 24/3/2006) tác giả Dương Như Nguyện bảo rằng đàn accordéon là“xuất thân từ nước Ý” (t.26), mà thực ra do tiếng Ðức Akkordion được đặt bởi người sáng chế Damian (1829, cf. Dictionnaire Étymologique et Historique, Larousse, 1964).

7. Tĩnh từ grand khi dùng với một danh từ không viết dính chung như grandfils (dù không có chữ này), nhưng cách bởi một gạch nối, ví dụ: grand-père. Biết sai mà André vẫn trả lời tỉnh bơ: “Oui, Madame, le plus jeune” (176). Nếu có óc hài hước, cậu ta đã phải nói: oui, le plus petit.

8. Ví dụ: số 35bis đường Nguyễn Trãi. Khán giả Việt cũng la bis để yêu cầu ca sĩ hát lại.

9. Trong tiếng Pháp thông tục (vulgaire), dùng như tán thán từ (exclamation) putain! còn biểu lộ sự ngạc nhiên, giống như merde alors! vừa ngạc nhiên, vừa thán phục. Anh quản lý Tây này, ít ra, cũng phải nói một câu để đuổi họ đi chứ, lẽ nào cứ luôn mồm mắng putains! putains!, đố ai biết anh ta muốn gì? Một trong rất nhiều ví dụ: Allez au diable! Hoặc thô lỗ hơn, Foutez-moi la paix. Chắc nhân vật đã bịa chi tiết này, một cách không hợp lý.

10. “Listen, you bitch” hay “son of a bitch”, chẳng hạn. Qui est là? nghe bất lịch sự rồi, nên hỏi: Qui est à l’appareil? (ai ở đầu dây?). Trong trường hợp này, để bộc lộ sự bực tức, không ai cấm Dominique xài chữ merde (shit) mà bất cứ người Pháp, nam nữ, từ anh nhà quê đến tổng thống, cũng phải nói một lần trong đời, đến độ nó mất đi nghĩa đen nguyên thủy (xem Merde, 1986, và Merde encore, 1987, của Geneviève Edis). Ở đâu cũng vậy, khi điện thoại reo mà không ai lên tiếng thì chỉ có việc đặt, hoặc đập, nó xuống, rồi văng tục merde!, là quá lắm, sao lại chửi kẻ vô hình nặng nề như vậy (salaud)?

11. Ðề nghị viết lại: Elle [hay
cette poupée-garçon] te ressemble, à toi qui es un garçon.

12. Vì là tĩnh từ ngắn, longs phải đứng trước danh từ (cheveux) dài hơn.

13. Còn cái gì nóng, lạnh, ví dụ cái bếp, lò sưởi, thì dùng il / elle est. Ðã thế, mẹ của nhân vật lại nói lái très chaud thành trop cher một cách vô duyên và gượng ép (très không đọc như cher).

14. Khác với, chẳng hạn, Elisabeth: Elise, Lisette, Lizette, Babette. Simone không có diminutif (“súc nghĩa từ” cf. Thanh Nghị), ví dụ, nữ tài tử Simone Signoret.

15. Xem sách giáo khoa Cours de Langue et de Civilisation Françaises của G. Mauger, Hachette, Paris, 1967, rất quen thuộc tại Việt Nam thời ấy.

16. Ví dụ: Tu l’as très bien fait hay t’en as très bien joué [du piano], ma petite. Hoặc Super! Fantastique! Extraordinaire! Félicitations!

17. Déjà vu, trong Anh ngữ, có nghĩa là ảo tưởng đã thấy rồi một điều mình thực ra chỉ mới thấy lần đầu.

18. Nhân vật trích thiếu sót câu thơ trong “Recueillement”, nguyên văn: Ma Douleur, donne-moi la main; viens par ici [] / Et, comme un linceul traînant à l’Orient / Entends, ma chère, entends la douce Nuit qui marche. Nhân vật, vì lòng nhớ André, nên giảng giải ẩu: “Douleur là nỗi đau đớn, L’Orient là quê nhà, La Douce Nuit là bóng đêm của tôi, Linceul là chiếc khăn để tang vị thiên thần đã gãy cánh […].Và dịch ẩu: Niềm đau ơi, hãy đưa ta bàn tay [nên dịch:
hãy đưa tay cho tôi]. Và, như giải khăn tang trườn mình [nên dịch: kéo
lê] về phương [nên dịch: phía, hướng] Ðông, em hãy lắng nghe [écoute?] tiếng chân [ở đâu ra?] của Nàng Ðêm [nên dịch: em
hãy nghe Ðêm dịu dàng bước đi] (168).

19. Bài “L’invitation au voyage” cũng bị cắt xén, đảo lộn: Mon enfant, ma sœur / Songe à la douceur / D’aller là-bas vivre ensemble!/ Aimer à loisir/ Aimer et mourir/ Au pays qui te ressemble […] / Tout y parlerait / À l’âme en secret / Sa douce langue natale […]. Dịch đúng phải là: A loisir: tùy thích. Au pays qui te ressemble: ở xứ sở giống em. Sa douce langue natale: tiếng mẹ êm dịu.

20. Saint-John Perse đoạt giải Nobel Văn Chương, 1960. Lưu vong tại Hoa Kỳ. Câu thơ của ông, giống của Claudel, thường khó, dài, dựa trên nhịp điệu và hình ảnh. Trong Exil (1941) thi sĩ hãnh diện về sự lưu đày của mình, chẳng hạn: Le vent nous conte sa vieillesse, le vent nous conte sa jeunesse… Honore, ô Prince, ton exil! (III) [Gió kể
chuyện tuổi già của nó, gió kể chuyện tuổi trẻ của nó… hỡi Hoàng tử, hãy vinh
danh sự lưu đày của Người] thì câu sau cùng (VII) kêu gọi “Và đây là giờ, hỡi Thi Sĩ, phải khai rõ tên tuổi, dòng dõi, và nòi giống của người” –là điều hợp lý thôi.

21. Trong thi tập Charmes (1922). Bài thơ mười hai câu có vẻ trữ tình này được các học giả xem như biểu tượng của sự chờ đợi thi hứng, tức bước chân của Nàng Thơ. Nếu trích đúng câu này phải là: Tes pas, enfants de mon silence, [Những bước chân em, con cái (kết quả)
của sự im lặng (đợi chờ) của tôi] / Saintement, lentement placés / Vers le lit de ma vigilance / Procèdent muets et glacés […]. Còn câu “T’en souviens tu [sai chánh tả] de mes pieds nus” là hoàn toàn bịa, từ nguyên văn: Qu’ils sont doux, tes pas retenus! / Dieux!… tous les dons que je devine / Viennent à moi sur ces pieds nus! Simone tưởng tượng quá nhiều, nên làm các độc giả trẻ tuổi bối rối không ít, hiểu sai hết!

22. Các nhà bình luận (không riêng Simone) đều hiểu chỉ một nghĩa của chữ Mal. Người thì dịch Hoa Ðau Khổ, kẻ thì Ác Hoa. Làm sao kết hợp hai nghĩa khác nhau trong một tựa đề? Hoa Ác Khổ?

23. Ngoài những tác phẩm khác, A. Daudet viết Le Petit Chose (1868), kể những kỷ niệm đắng cay của thời niên thiếu, và tập truyện Lettres de mon Moulin (1869) lấy khung cảnh Provence, nguyên quán của văn sĩ. Trong bài “Chiếc phong cầm của bố tôi”, bđd, chú thích 6, tác giả kể rằng ông bố, một giáo sư đại học tốt nghiệp ở Pháp, đã lấy một truyện ngắn của Daudet [trong Lettres de mon Moulin] để dạy con: Le [hai lần, không thể gọi là lỗi đánh máy được] chèvre de M. Seguin. Chết rồi, chèvre là dê cái, sao lại le? Còn Anatole France có Le Livre de mon Ami (1885) kể những kỷ niệm ấu thơ, trong đó có đoạn văn bất hủ về “La rentrée” (Ngày tựu trường) mà học sinh nào cũng biết: mùa thu trong vườn Luxembourg có lá vàng rơi từng chiếc trên vai các pho tượng trắng và có chú bé học sinh đeo cặp sau lưng tung tăng đi ngang, “en sautillant comme un moineau” (vừa nhảy như một con chim sẻ) –được Thanh Tịnh phỏng ý viết lại. Tuy nhiên, mặc dù có tài như vậy (A. France được giải Nobel Văn Chương 1921) hai văn sĩ này, không hiểu sao, lại được những nhà viết văn học sử Pháp cho ngồi chiếu phụ (mỗi ông được giới thiệu trung bình không quá một trang sách giáo khoa) sau những cây đại thụ như Hugo, Balzac, Stendhal, Zola, Gide, Proust, v.v… Về những chuyện thuần túy đồng quê, sao nhân vật không nhắc George Sand, Henri Bosco, hay Jean Giono, v.v…?

24. M. Duras: L’Amant (1984), Un Barrage contre Le Pacifique (1958). Duras nhớ tiếc Ðông Dương, đặc biệt Căm Bốt, Annam (miền Trung) và Cochinchine (miền Nam thuộc Pháp). Ngoài phim Indochine, 1970 (kể về Saigon, năm 1930), còn có phim Dien Bien Phu của Pierre Schoendoerffer (1992). Tất cả coi Việt Nam như một cựu thuộc địa.

25. Trong L’Amant, anh Tàu, sau khi phá trinh Marguerite, quay mặt chỗ khác, khóc sướt mướt. Trong CGCSH, Andrécũng “bật khóc”. Tại sao? tôi chịu, không hiểu nổi.

26. Hỏi các cựu học sinh Marie Curie và Jean-Jacques Rousseau của thập niên 60, không ai nhớ chính xác năm nào những trường Pháp này bị tịch thu.

27. Simone không nói câu hát tiếng Ý này là của ai.

28. Kinh cầu này được cho là của nhiều tác giả vô danh vào thế kỷ XI, hiện nay vẫn được giáo dân Việt Nam đọc (bản tiếng Việt) tại nhà thờ và trong gia đình. Nhân vật nói là của Haydn (235). Có thể Haydn đã phổ nhạc thôi. Nguyên văn Latin, để so sánh với những câu trích và dịch (sai) bởi Simone: Salve, regina, mater misericordiae, Vita, dulcedo et spes nostra, salve! Ad te clamamus exsules filii Evae, Ad te suspiramus gementes et flentes In hac lacrimarum valle. Eia ergo, advocata nostra, Illos tuos misericordes oculos ad nos converte. Et Iesum, benedictum fructum ventris tui, Nobis post hoc exsilium ostende, O clemens, o pia, O dulcis virgo Maria.

29. Trong cuốn Novus Thesaurus Adagiorum Latinorum (Stuttgart, 1861) gồm trên ba ngàn câu.

30. Cho nên tôi hy vọng và cầu mong nhân vật đã trích và dịch đúng. Elegischer Gesang là một trong những tác phẩm của Beethoven được biết và trình bày, thâu băng ít nhất. Viết năm 1814, để tưởng niệm Eleanore von Pasqualati, vợ một người quen thân.

31. Mai Ninh, một tác giả du học Pháp từ 1968, có bằng cấp Pháp và hiện sống tại Pháp, đã viết những truyện như Hợp Âm Trong Vùng Sân Khuất (2000), Ảo Ðăng 2003), Cá Voi Trầm Sát (2004), rất hay, với câu văn thuần túy Việt Nam, trong đó người ta ít, hay không, gặp những chữ, những câu Pháp văn không cần thiết và đầy lỗi như trong tác phẩm của Dương Như Nguyện.


Portland,12/5/2009

Kim Thanh

Bài trả lời Ts Nguyễn Kim Quý của ThaiQuangAnh

Trong bài phê phán “Pháp ngữ trong sách con gái của sông Hương” đăng trong báo [DELETE BY RECIPIENT FOR
WANT OF VERFICATION], ông Kim Thanh Nguyễn Kim Quý chủ tâm làm một việc và muốn tỏ một thái độ.

1) Việc ông Kim Thanh làm, và làm rất tỉ mỉ, là liệt kê những lỗi tiếng Pháp về chính tả, ngữ vựng, văn phạm, dịch thuật v.v. trong bản dịch « Con gái của Sông Hương. » Tôi đồng ý phần nào với bản liệt kê đó, và đồng ý dễ dàng vì đã có dịp đề cập với tác giả Dương Như Nguyện về những lỗi tiếng Pháp đó, qua email khi tôi đọc qua tác phẩm « Sông Hương » cách đây nhiều năm.

Những lỗi ấy, một phần hiển nhiên là lỗi đánh máy, rất phổ biến trong việc viết lách và ấn loát, nhất là với bàn chữ Mỹ không có dấu của tiếng Pháp, một phần là lỗi ngữ vựng và cú pháp rất bình thường và dễ thông cảm đối với một nhà xuất bản ở bên Mỹ. Chính tác giả Dương Như Nguyện cũng đã trung thực công nhận trước quần chúng là bà đã không thực hành tiếng Pháp trong mấy mươi năm, và nhà xuất bản của bà là một nhà xuất bản tự lực không có cơ sở vững chãi như các công ty khổng lồ của giới xuất bản Hoa Kỳ. Tờ báo nào đó đúng đằng sau ông Kim Thành lai bóp méo lời lẽ khiêm tốn của bà cho rằng bà tự thú nhận đã đánh lừa nhà xuất bản (???). Kết tội một luật sư là lừa đảo? Đối với tôi, đây quả thực là phỉ báng và công kích thiếu lương thiện. Lý do vì sao mà tờ báo nầy thu` ghet ba Duong Như Nguyên như vậy, khi bà không đi vào cộng đồng người Việt để hành nghề hay viết tiếng Việt? Đây là một bản dịch.

Và tôi cũng đã gợi ý là khi tái bản quyển sách chỉ nên chửa những lỗi đánh máy và chính tả mà thôi. Cứ giữ nguyên những « lỗi » khác vì đó là một phần của cấu trúc nhân vật phản ánh một cách sinh động không khí văn hóa của một giai đoạn lịch sử, và những nét tâm lý đặc thù của nhân vật chính. Nếu sửa đổi thì đã vi phạm vào các cấu trúc và nguyên tắc căn bản của nghệ thuật viết tiểu thuyết, vì như thế tức là sửa đổi luôn tâm lý của hành động cũng như lời nói đặc thù của nhân vật. Phải để nguyên để giữ cái duyên dáng của văn chương và nhân vật, không khác chi khi người Mỹ hay người Anh nói tiếng Pháp bằng giọng Mỹ hay giọng Anh.

Thật ra ông Kim Thanh đã làm cái việc mà một chuyên viên duyệt bản thảo của một nhà xuất bản đã phải làm. Các nhà xuất bản đều có một nhiệm sở chuyên làm chuyện đó. Tất cả các bản thảo va cac sach in không ít thì nhiều đều có lỗi chính tả, ngữ vựng, trích dẫn, tư liệu v.v, cho dù tác giả là một viện sĩ. Ở thời đại của máy vi tính có chức năng điều chỉnh bản văn, vấn đề trở thành hoàn toàn thứ yếu. Ở Pháp chẳng hạn, các NXB có chút tầm vóc thường thuê sinh viên của 3 trường Cao Đẳng Sư Phạm (gọi là Ulm, Sèvres, Fontenay) để làm « lecteur » chuyên duyệt lại bản thảo và nhuận chính các nguồn tư liệu của các tác phẩm về văn chương hay về khoa học nhân văn. Nếu không quá kén chọn thì họ thuê tiến sĩ hoặc sinh viên đang soạn luận án. Ở Pháp vẫn luôn có sự phân biệt giữa hệ thống « trường lớn » dành cho sinh viên ưu tú đã vượt qua những cuộc thi tuyển gắt gao, và hệ thống Đại Học sản xuất ra tiến sĩ, bị coi thường là ngã cụt vì bất cứ sinh viên nào có tú tài cũng có thể ghi tên vào học . Vì thế từ 50 năm qua hệ thống Đại Học Pháp bị khủng hoảng kinh niên …

Thật ra liệt kê các lỗi tiếng Pháp trong sách « Con gái của Sông Hương » như ông Kim Thanh đã làm, ở cái thời buổi của máy vi tính và Internet, chỉ cần một học sinh ở trình độ luyện thi tú tài Pháp biết sử dụng chức năng chữa lỗi chính tả, lỗi ngữ vựng, văn phạm và luôn cả cú Pháp của Microsoft Word. Các tư liệu mà ông Kim Thanh viện dẫn đều có thể tìm thấy trên Internet một cách dễ dàng và cấp tốc.

Vì thế liệt kê lỗi tiếng Pháp để đánh giá học thức và khả năng và lương tâm của tác giả để cáo buộc bà có ý khinh thường độc giả như ông Kim Thanh đã làm, chẳng những là một bắt bẻ nhỏ mọn mà còn là một điều bất xứng đầy ác ý, nhất là khi ông thú nhận không hề đọc nguyên tác tiếng Anh. Người ta có thể hiểu và kính nể ông Kim Thanh hơn nếu ông lưu ý về cái thiếu sót bất thường của nhà xuất bản. Thay vì quay mũi dùi đến tác giả.

2) Kỳ thực chủ ý của ông Kim Thanh là đứng ra hài tội tác giả DNN. Thế mà, ông ta lại tự cho mình là một công tố viên nhân danh tri thuc và đạo đức. Tội gì ? Tri thức gì và đạo đức gì ?

Tội là đã « tỏ ra khoe khoang về cá nhân và gia đình và nền văn học thu thập được của Pháp ». Chứng tích trưng bày là … trong tác phẩm nhân vật chính « đi học trường Marie Curie Saigon, trong gia đình nói tiếng Pháp với cha mẹ, ngụ tại Saint Germain des Près lúc 14 tuổi v.v.). Trong khi tiểu sử của tác giả có ghi rỏ bà là nữ sinh trường Trưng Vương đã đoạt giải thường văn chương phụ nữ toàn quốc, hai Bà Trưnng năm 1975.

Lập luận, hay đúng hơn sự đánh lận phi lý và thô tục như thế, một anh gánh nước cũng không làm. Thật có khác chi đi cáo buộc tác giả Kim Dung là một ngụy quân tử, hay một tên tiểu xảo hư đốn bởi vì ông đã nắn ra một cách tuyệt diệu nhân vật Nhạc Bất Quần trong pho « Tiếu Ngạo Giang Hồ » hay đã dựng ra một cách tài tình nhân vật Vi Tiểu Bảo trong bộ Lộc Đỉnh Ký ! Ông Kim Thanh nghĩ thế nào nếu một ngưòi nào đó, mặc dù không đọc luận án « La prison chez Stendhal » của ông (chi tiết về luận án nầy do chính ông Kim Thanh tự quảng bá), nhưng áp dụng thủ thuật mà ông đã sử dụng đối với DNN, để quả quyết rằng ông là một kẻ vô luân, đầy tham vọng nho nhen, háo danh, gian dối từng mắc phải tù tội bởi vì đó là đặc tính của Julien Sorel, nhân vật tiêu biểu trong sự nghiệp văn chương của Stendhal !

Ông Kim Thanh còn biện minh rằng sở dĩ ông cần phải ra tay viết bài phê phán như thế là « để giới trẻ tuổi hiểu là Pháp văn chính thống không phải như thế ». Ông ta làm như thể là giới trẻ chỉ cần đọc một quyển tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh được dịch qua tiếng Việt, và bài bình luận của ông Kim Thanh là đủ biết thế nào là Pháp Văn chính thống!

Ông cũng khẳng định muốn đem tri thức chuyên môn của mình để góp tài liệu cho việc đánh giá quyển sách. Và cái chuyên môn đó nó chuyên môn đến độ biến ông thành một con người nhỏ nhen, vô cùng khắc nghiệt đối với những cảm nhận hay những nhận thức có sắc thái hơi khác biệt với ý của ông, y như những đầu óc giáo điều chuyên chế đối với những người không cùng quan điểm giống bè lũ nào đó đã làm điều dùng cả một dân tộc?

Chẳng hạn ông phê phán gắt gao tác giả của quyển tiểu thuyết khi nói về khu Saint Germain des Près, sao không nói đến Tháp(Tour) Montparnasse (kỳ thực Tháp nầy chỉ được xây dựng từ 1969 và đến 1972 mới hoàn thành, và thuộc về quận 15 của Paris chứ không thuộc khu Saint Gremain), không nói đến Hôtel Voltaire nơi Baudelaire đã từng cư ngụ ( thế sao ông Kim Thanh có thể quên đi tượng của Baudelaire nằm ngay cổng vào vườn Luxembourg, đối diện với Lycée Montaigne, ở ranh giới của khu Saint Germain, có khắc 4 câu thơ bất hủ của bài « Les phares »

Car c’est vraiment Seigneur, le meilleur témoignage

Que nous puissions donner de notre dignité

Que cet ardent sanglot qui roule d’âge en âge

Et vient mourir au bord de votre éternité !

Nói một cách nôm na bình dân học vụ, thì đọc giả ai cũng biết rằng cuốn tiểu thuyết Song Hương của Bà Dương Như Nguyện không phải là sách hướng dẫn du lịch cho những người cần đến Paris, mà phải tả hết tất cả danh lam thắng cảnh của thủ đô ánh sáng! Cuốn sách của ba cũng không phải sách du lịch cho người Mỹ đến thăm sông Hương ở xứ Huế!

Tóm lại tôi không biết phải bất bình, phẩn nộ trưóc những bắt bẽ phi lý, thô tục, và đầy ác ý của ông Kim Thanh hay phải phì cười. Ít ra bài viết của ông cũng có một công dụng là giúp giới trẻ hiểu thế nào là sự « phản bội của thức giả » mà Julien Benda đã phân tích một cách sâu sắc trong tác phẩm trứ danh « La trahison des clercs » ( Sự phản bội của thức giả ). Benda tố cáo phong cách của các thức giả đã chối bỏ quyền tự do phê phán của mình khi họ phục vụ cho một quyền lợi hay một phe phái. Và khi họ quan niệm rằng ưu tiên trên hết là phải làm cho phe mình thắng cuộc cho dù phải ếm nhẹm đi những sai lầm và gian dối của phe ấy thì họ đã phản bội lại cái thiên chức của bậc thức giả.

Tôi đã nói ở trên về cuộc khủng hoảng triền miên của hệ thống Đại Học Pháp và giá trị rất tương đối của bằng tiến sĩ Pháp, nhưng dù cho là tiến sĩ của đại học Sorbonne, Trouville, Brives la Gaillarde hay của đại học Yale, Sioux-City hay Oglalala ở Nebraska, có một điều tối thiểu mà một người mang danh tiến sĩ phải tôn trọng, đó là khi đề cập đến một vấn đề phải tiên quyết truy tim và đối chiếu các nguồn tư liệu và không được bóp méo những tư liệu đó.

Đại Học Oregon ở Hoa Kỳ phải chăng là một trường hợp ngoại lệ ? Và khi ông Kim Thanh chỉ trích thái độ khoe khoang, tự phụ và cái thứ tri thức dỏm, tôi chỉ có thể đồng ý mà thôi. Nhưng về tác giả của « Con gái của Sông Hương, » tôi có cảm tưởng là ông Kim Thanh ở trong tình trạng của một ông cụ mò mẩm tìm cái chìa khóa của mình ở chổ nó không rớt xuống với lý lẽ là chỉ có nơi đó có ánh sang.

TQA

This entry was posted in Trong Nhà Ngoài Phố. Bookmark the permalink.

Leave a comment