Báo Túm 4, hiến chương của CDNVQGHK có gì lạ?


LGT: Tổ chức Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia-Hoa Kỳ ( gồm 52 cộng đồng địa phương) vừa họp thường niên vào tháng 10/2011 tại Florida. Mục đích chính là xem xét hiến chương mới. Trước đó vài tháng, Hội Đồng Đại Diện gồm 9 thành viên của 3 Hội Đồng ( Giám Sát, Đại Biểu, Chấp Hành) đã thông qua. Nhắc lại, 9 thành viên này có cả Chủ Tịch HĐ Đại Biểu Nguyễn Văn Tánh và Chủ Tịch HĐ Giám Sát Võ Đình Hữu. Tuy vậy khi bản hiến chương  được đem ra bàn thảo tại đại hội thì không biết vì lý do gì, ông Nguyễn Văn Tánh đã quay 180 độ và bác bỏ không  cho Ban Tu Chính Hiến Chương trình bày. Phụ hoạ đắc lực là 2 ông Chủ Tịch Florida (Lưu Văn Tươi) và cả chính Chủ Tịch HĐ Giám Sát (Võ Đình Hữu). Sự bóp nghẹt vô lý đưa đến hành động phi dân chủ của 3 ông này gây bất bình cho nhiều người. Ông Nguyễn Ngọc An, Ban Tu Chính, bỏ ra ngoài  sau khi bị Chủ Tọa Đoàn không cho trình bày phần vụ của mình. Chủ tịch Michigan, Dương Đức Vĩnh, lên án gay gắt. Nhằm tìm hiểu bản hiến chương mới này có những ưu khuyết điểm gì, Báo Túm cử Phóng Viên Kiến Lửa phỏng vấn những người liên quan. Đó là Ô Nguyễn Ngọc Anh (Ban Tu Chính)  Dương Đức Vĩnh (Michigan), Nguyễn Kinh Luân (Tarrant), bà Thu Lan (Michigan). Báo Túm cũng hoan nghênh nếu quý ông Nguyễn Văn Tánh, Võ Đình Hữu và Lưu Văn Tươi muốn giải thích.

PV Kiến Lửa xin chào quý độc giả. Báo Túm số 3, đồng nghiệp Kiến Vàng đã gửi đến quý vị bài viết về buổi họp của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia-Hoa Kỳ (CĐNVQGHK). Vì sự bác bỏ mãnh liệt của Ông Nguyễn Văn Tánh gây bất ngờ cho chính ông Nguyễn Văn Tần ( Chủ Tịch HĐ Chấp Hành) và cũng bất bình cho một số đại biểu, chúng tôi đã liên lạc với vài vị. Bây giờ xin mời quý độc giả đọc lần lượt các phần trả lời của các vị này.

Phần 1: Ông Nguyễn Ngọc Anh trong Ban Tu Chính Hiến Chương:

Tôi xin cố gắng  trả lời vắn tắt các câu hỏi của ông/bà như sau:

Tôi được ông Nguyễn Văn Tần mời tham gia vào Ban Tu Chính Hiến Chương của CĐNVQGHK từ năm 2007, và tiếp tục làm việc với ban nầy cho đến ngày Đại Hội Thường niên 2011 tại Orlando, Florida.
Tôi đã tham dự ĐH 2009, và đã nghe 2 thuyết trình viên là Luật Sư Hoàng Duy Hùng và ông Nguyễn Xuân Hùng trình bày về mô thức Corporation – NPO nên hiểu một cách đại cương là cơ chế tương lai của CĐNVQGHK sẽ hình thành như thế nào. [[1]]
Sau ĐH 2010 tại Nam California, ông Nguyễn Xuân Hùng đảm trách phần soạn thảo bản Dự Thảo TCHC, còn tôi chỉ  phụ ông Hùng trong việc đọc lại vài thêm ý kiến. Bản nháp của DT-TCHC được chúng tôi hoàn tất vào cuối năm 2010 và được chuyển đến ông Nguyễn Văn Tần, trưởng ban TCHC. Sau đó bản (nháp) được chuyển qua hệ thống của CĐNVQGHK để duyệt xét và phê chuẩn.[[2]]
Bản dự thảo TCHC 2011 vẫn giữ nguyên phần Mục Đích và Tôn Chỉ mà CĐNVQGHK đã vạch ra từ ngày thành lập đến nay. Riêng về cơ chế, vì dự thảo TCHC được viết theo mô thức Corporation – NPO mà Đại Hội 2009 đã chỉ định nên hiển nhiên có nhiều thay đổi trong hệ thống điều hành. Trong khi Hiến Chương hiện hành được viết theo quan niệm ‘Tam Quyền Phân Lập’ – tức 3 Hội Đồng làm việc theo hàng ngang, trách nhiệm khác nhau nhưng quyền hạn ngang nhau; mô thức Corporation – NPO được viết theo hệ thống làm việc theo hàng dọc. Theo hệ thống nầy, Board of Directors hay là Hội Đồng Quản trị (do Đại Hội Đồng thành viên bầu ra) chịu trách nhiệm mời gọi nhân sự vào các Ủy Ban hoặc Ban, Ngành cần thiết cho việc điều hành guồng máy Công Đồng.

 5. Các bước mà Ban Tu Chính Hiến Chương đã đi qua:
 
1- Nhận chỉ thị của Đại Hội Đồng 2009 ở Dallas và 2010 ở Nam California để thực hiện Hiến Chương theo phương thức Non-Profit Organization. Đại Hội Đồng 2010 cho thời hạn phải hoàn tất trong vòng 1năm.
2- Ông Nguyễn Xuân Hùng (Dallas) và Nguyễn Ngọc Anh (Arizona) viết Dự Thảo, sau khi hoàn tất chuyển qua Ông Phạm Văn Thanh (Michigan) bổ túc.
3- Hội Đồng Chấp Hành Trung Ương /CD/NVQG/HK thảo luận và biểu quyết chuyển lên Hội Đồng Đại Diện (tập hợp 3 Hội Đồng – Hội Đồng Đại Biểu, Hội Đồng Chấp Hành Trung Ương và Hội Đồng Giám Sát) để thảo luận có nên đưa ra Đại Hội trình bày hay không?
4- Hội Đồng Đại Diện / CD/NVQG/HK đã duyệt xét và đồng ý đưa Bản Tu Chính Hiến Chương ra Đại Hội 2011 để biểu quyết.
5- Trước khi đưa ra Đại Hội 2011 Ủy Ban Tu Chính Hiến Chương đã gởi đến các Cộng Đồng Thành Viên Bản Dự Thảo Tu Chính Hiến Chương 2011 tổng cộng 4 lần, 2 lần do chính Ông Tánh yêu cầu, để được nghiên cứu và góp ý trước ngày 15 tháng 9 năm 2011.
6- Đại Hội biểu quyết 39/04 là biểu quyết, có nên tiếp tục thảo luận không, chứ không  phải biểu quyết bác bỏ Bản Tu Chính Hiến Chương.

Trên đây là phần trả lời một cách tóm tắt cho các câu hỏi mà ông/bà nêu ra. Hiển nhiên, để trả lời cho thật đầy đủ phải cần nhiều giấy mực và thời giờ hơn.
Hy vọng những câu trả lời nầy sẽ giúp ông/bà hiểu thêm đôi chút về quá trình soạn thảo Dự Thảo TCHC 2011 do Ban Tu Chính Hiên Chương thực hiện.
Xin cám ơn ông/bà đã quan tâm.

Nguyễn Ngọc Anh

Phần 2: Ý kiến của Bà Huỳnh Thu Lan, Phó Chủ Tịch CĐ Người Việt Quốc Gia Michigan
 Kính chào Ký giả Kiến Lửa,

Xin cám ơn KgKL đã quan tâm về sinh hoạt của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ (CD NVQG HK).
Tôi xin xác nhận, tôi không là thành viên trong Ban Tu Chính Hiến Chương. Sau đây là ưu / khuyết điểm của Dự thảo Hiến Chương 2011.

1-Ưu điểm:
– Đáp ứng quyết định của đa số Đại Biểu trong Cộng Đồng qua Đại Hội 2009.
– Vẫn duy trì Chủ Trương, Lập Trường và Mục Đích của CD NVQG HK từ ngày thành lập đến nay.
– Có Ban Giám Sát để quan sát và chế tài những người làm sai khi cần thiết, như trong Hiến Chương cũ.
– Thích hợp với sinh hoạt của Cộng đồng trong xã hội Mỹ.
– Dễ dàng cho giới trẻ tham gia vào sinh hoạt Cộng Đồng.
– Mang lại nguồn sinh khí mới cho CD NVQG HK
– HC 2011 mở cửa cho nhiều nhân tài ngoài Cộng Đồng có thể tham gia vào sinh hoạt CD NVQG HK.

2-Khuyết điểm:
– Vì là Bản Dự Thảo nên một số điều khoản, chi tiết nhỏ cần được điều chỉnh lại cho phù hợp với nhu cầu của các CĐTV.
– Cần sửa lại cách hành văn cho đỡ cầu kỳ có thể gây ngộ nhận cho một số người.
– Mô thức Corporation/Non Profit Organization (NPO) mới mẻ cho một số Đại Biểu bảo thủ nên họ phản đối.
– Vì không muốn Bản Dự thảo Hiến Chương được Đại Biểu tham dự ĐH 2011 chấp thuận nên một số Đại Biểu bảo thủ đã tìm mọi cách ngăn cản không cho Ban TCHC trình bày và giải thích trước ĐH2011, ngay cả vi phạm Hiến Chương hiện hành.

Phần 3: Ý kiến của ông Nguyễn Kinh Luân (Chủ Tịch CĐ Tarrant) 

Kính thưa ký giả Kiến Lửa,

Chúng tôi xin xác nhận là không tham gia vào Ban Tu Chính Hiến Chương và cũng không đóng góp gì cho bản Tu Chính Hiến Chương được đem vào Chương Trình Nghị Sự của Đại Hội thường niên 2011 của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ (CĐNVQGHK.) Tuy nhiên, theo ý kiến của tôi thì ưu điểm lớn nhất là với bản Hiến Chương (HC) mới (nếu được thông qua) sẽ mở cửa cho giới trẻ đầy tài năng trong cộng đồng của chúng ta có cơ hội tham gia vào một tổ chức có tầm vóc to lớn để phục vụ đồng hương. Những người mà chúng tôi luôn ước mơ một ngày nào đó họ sẽ dẩn dắt CĐNVQGHK đi xa hơn trong các công tác phát triển cộng đồng và vận động cho một VN tự do, dân chủ và nhân quyền. Những người trẻ mà Hiến Chương mới nhắm đến là ai? Xin thưa đó là những người như Đạt Tá Lương Xuân Việt, khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, TS Nguyễn Đình Thắng, Cựu Dân Biểu Cao Quang Ánh v.v. Chúng tôi tin tưởng rằng nếu được sự tiếp tay của các vị này, hoặc những người khác có khả năng tương đương thì chắc chắn CĐNVQGHK sẽ đạt được nhiều thành công và xứng đáng với vai trò lãnh đạo tập thể người Việt ở Hoa Kỳ.

Riêng về khuyết điểm, theo chúng tôi nhận xét thì có những điểm trong Hiến Chương mới quá …mới lạ nên không hợp với ý muốn của những người thủ cựu chỉ biết bo bo giữ cái cũ (dù Hiến Chương cũ đã lỗi thời, nặng nề về hình thức, nông cạn trong nội dung và chứng tỏ là tạo tình trạng phân liệt trong hiện tại cũng như quá khứ.) Ngoài ra, bản Hiến Chương mới cũng có những điều khoản được viết hơi không rõ nghĩa cho lắm nên cần sửa lại. Điều này tính ra cũng dễ dàng nhưng rất tiếc là Ban Tu Chính không có được cơ hội để chỉnh sửa lại cho gãy gọn, rõ nghĩa vì đã không  được trình bày!
Nguyễn Kinh Luân
CT/CĐNVQG Hạt Tarrant, TX

Phần 4: Ông Dương Đức Vĩnh (Chủ Tịch CĐ Người Việt Quốc Gia Michigan)
 Ông Dương Đức Vĩnh gửi bản Chart và phần trả lời thắc mắc được soạn bởi ông Nguyễn Xuân Hùng, người được coi như “cha đẻ” của Dự Thảo Tu Chính Hiến Chương:

1.     Cần xác định lập trường  rõ ràng hơn. 

  1. Điều 1, Khoản 1.1 xác định danh xưng tổ chức là Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ.
  2. Điều 1, Khoản 4.1 xác định Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là biểu tượng chính thức của CĐNVQGHK và cộng đồng người Mỹ gốc Việt.  Điều 1, Khoản 4.2 cấm không được thay đổi Điều 1, Khoản 4.1.
  3. Điều 2, Khoản 3.1 xác định nguồn gốc của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ là cộng đồng tị nạn chính trị, không thể sống với sự khủng bố của chế độ và chủ nghĩa cộng sản, nên đã đào thoát để tìm tự do,công lý, dân chủ, và bình đẳng.  Khoản 3.1 cũng xác định di sản và truyền thống của CĐNVQGHK là gia đình, tự do, dân chủ, và nhân quyền.
  4. Các khoản “Chế Tài” trong dự thảo Hiến Chương đều nghiêm cấm các sinh hoạt liên quan đến cộng sản, phát xít, và khủng bố.
  5. Để đáp ứng yêu cầu này, đề nghị Đại Hội Đồng thêm vào Điều 2, Khoản 3.1 như sau: “…Vì những lý do nêu trên, CĐNVQGHK dứt khoát không chấp nhận chủ nghĩa và chế độ cộng sản cũng như các chế độ độc tài, áp bức, phi nhân dưới bất cứ hình thức nào.” 

2.     Không ai ngoài các cựu hoặc đương kim chủ tịch hoặc phó chủ tịch của các tổ chức CĐ Thành Viên mới có quyền ứng cử hoặc được đề cử và các trách vụ lãnh đạo cao cấp của CĐNVQGHK.
 
Dự thảo hiến chương ấn định các thành viên cá nhân (Thành Viên Hợp Tác: mọi cá nhân kể cả các vị lãnh đạo các CĐ Thành Viên đều có thể trở thành TV Hợp Tác) có quyền ứng cử hoặc đề cử vì những lý do sau:
Tổng số quý vị lãnh đạo hoặc đã lãnh đạo các tổ chức CĐ địa phương toàn cõi Hoa Kỳ, trong suốt 36 năm qua, chắc chắn là không quá 15,000 người, hoặc 1% của 1.5 triệu người Việt hiện đang cư ngụ tại Hoa Kỳ.  Trong số những quý bậc này, có bao nhiều người có đủ sức khỏe, khả năng Anh ngữ lưu loát, và các khả năng cần thiết khác để khai triển những công trình phát triển CĐNVQGHK và đại diện cho tiếng nói cũng như nguyện vọng của 1,500,000 người Mỹ gốc Việt?  Chúng ta không thể loại 99% đồng hương VN ra khỏi quyền được ứng cử hoặc được đề cử vào các trách vụ lãnh đạo CĐNVQGHK vì đại đa số nhân tài tinh hoa của cộng đồng người Việt hiện đang ẩn mình trong tỉ lệ tuyệt đại đa số này.  Giới hạn quyền ứng cử và được đề cử vào tỉ lệ 1% là tự hủy diệt tiềm năng phát triển của CĐNVQGHK và còn có thể bị xem là phi dân chủ.
Những quý bậc đang lãnh đạo các CĐ Thành Viên hiện đang mang nặng trách nhiệm tại các cộng đồng địa phương.  Họ khó có thể đảm nhận thêm trách nhiệm lãnh đạo CĐNVQGHK.  Điều này làm trì trệ công việc của CĐNVQGHK cũng như của các CĐ Thành Viên.  CĐNVQGHK được thành lập để chấn hưng các CĐ Thành Viên, không phải là làm suy yếu đi nguồn nhân lực của họ.
Thành Viên Hợp Tác có thể là những cá nhân,mặc dù không nằm trong các ban lãnh đạo của các CĐ Thành Viên, nhưng họ là những người có khả năng và tâm huyết với CĐNVQGHK.  Thành Viên Hợp Tác cũng có thể là các Đại Biểu và  các vị đang lãnh đạo các CĐ địa phương.  Sự chọn lựa các nhân tuyển thích hợp là quyền lựa chọn của các Đại Biểu.  Nếu quý Đại Biểu nhận thấy kinh nghiệm làm việc tại các CĐ địa phương là quan trọng, họ sẽ không bỏ phiếu cho những ứng cử viên không hội đủ điều kiện đó.  Tuy nhiên, đó là quyền tự do bầu cử của các Đại Biểu!
3.     CĐNVQGHK là một tổ chức cộng đồng, cần phải có bề thế như một tổ chức chính phủ và phải có khả năng cân bằng hoặc chế tài giữa các cơ chế.  Do đó, hệ thống tổ chức tam quyền phân lập thích hợp hơn hệ thống tổ chức công ty vô vụ lợi.

 

  1. Đại Hội CĐ 2009 đã quyết định dùng mô hình tổ chức công ty vô vụ lợi vì mô hình tổ chức tam quyền phân lập quá cồng kềnh, đòi hỏi quá nhiều nhân lực, và không tạo ra hiệu năng vì những tranh cãi và bất đồng giữa ba cơ chế.
  2. Mô hình tổ chức công ty vô vụ lợi là mô hình tổ chức năng động nhất thế giới.  Theo Dư, Thảo Hiến Chương, quyền hạn tối cao vẫn nằm trong tay các Đại Biểu: 1) Bỏ phiếu hình thành Hội Đồng Quản Trị; 2) Phủ quyết các quyết định của HĐQT; 3) Truất phế một, nhiều, hay toàn bộ Ủy Viên HĐQT; 4) Triệu tập các phiên hội bất thường; 5) Tu chính Hiến Chương; 6) Tạm ngưng hoạt động hoặc giải tán CĐNVQGHK;4) Đề cử các Thành Viên Hợp Tác vào các Ủy Ban và Hội Đồng của CĐNVQGHK.  Xin chú ý rằng các Thành Viên Hợp Tác không có quyền bỏ phiếu bầu các Ủy Viên HĐQT, tu chính Hiến Chương, và bỏ phiếu phủ quyết các quyết định của HĐQT cũng như các cơ chế khác của CĐNVQGHK.
  3. Mô hình tổ chức đề nghị trong dự thảo Hiến Chương không hoàn toàn là mô hình công ty vô vụ lợi vì còn lưu lại Ban Giám Sát như là một bộ phận kiểm soát (controller và auditor) hành chánh và tài chánh; tạo ra thế cân bằng với HĐQT nhưng ít tạo ra trì trệ vì vị Chủ Tịch Ban Giám Sát là Ủy Viên thứ 11 của HĐQT.
  4. Mô hình tổ chức đề nghị trong dự thảo Hiến Chương thống nhất trách nhiệm phát triển CĐNVQGHK vào một cơ chế duy nhất là HĐQT.  Ủy Ban Điều Hành và các Ủy Ban Kế Hoạch là những tiểu ban (Sub-Committees) của HĐQT. Dưới mô hình này, CĐNVQGHK chỉ có một Chủ Tịch, một PCT Nội Vụ, một PCT Ngoại Vụ, và một Tổng Thư Ký.  Tuy nhiên, sự cân bằng và chế tài vẫn thực hiện được qua: 1) Sáu vị Ủy Viên Đại Diện Vùng; 2) Ban Giám Sát; hoặc 3) Đại Hội Bất Thường (Hiến Chương cho phép sử dụng tele-conference và các kỹ thuật hiện đại để cử hành Đại Hội Bất Thường) có thể được triệu tập bởi 25% CĐ Thành Viên hoặc Đại Biểu; hoặc 50 Thành Viên Hợp Tác. 

4.     Các cá nhân (Thành Viên Hợp Tác) không đủ tư cách làm Chủ Tịch CDNVQGHK và HĐĐB.

  1. a.     Tất cả quý bậc Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch của các CĐ Thành Viên đều là cá nhân.  Tư cách lãnh đạo của họ xuất phát từ những lá phiếu của các đồng hương tại các địa phương.
  2. b.     HĐQT của các CĐ Thành Viên chỉ định một cá nhân tại địa phương để thực hiện trách nhiệm Đại Biểu.  Các vị Đại Biểu không nhất thiết phải là các vị Chủ Tịch hoặc PCT của các CĐ Thành Viên.  Qua sự chỉ định hoặc bổ nhiệm này, các Đại Biểu có đầy đủ tư cách danh chánh ngôn thuận để đại diện các đồng hương VN tại địa phương của mình để bỏ phiếu cho các Ủy Viên HĐQT.  Do đó, các Ủy Viên HĐQT, cho dù không phải là cựu hoặc đương kim Chủ Tịch/PCT của các CĐ Thành Viên, họ vẫn có đủ tư cách đại diện CĐNVQGHK, HĐĐB, HĐQT, UBCH, và UB Giám Sát trao cho họ từ các đồng hương VN toàn cõi Hoa Kỳ qua các Đại Biểu.  Đây là một hình thức na ná như Electoral College trong hệ thống bầu cử của chính phủ Hoa Kỳ. 

5.     Tại sao các Ủy Viên Thường Vụ của HĐQT (Chủ Tịch, hai PCT, và TTK) được bầu cử theo thể thức liên danh thay vì đơn cử?  Các ứng viên trong một liên danh sẽ có khả năng làm việc và phối hợp chặt chẽ hơn là những ứng viên đơn cử rất ít khi hoặc chưa từng làm việc với nhau.  Điều này dề nâng cao hiệu năng làm việc hơn.
6.     Tại sao các Ủy Viên Đại Diện Vùng lại được đơn cử và nhiệm kỳ chỉ có hai năm thay vì ba năm như những Ủy Viên khác?

  1. a.     Ủy Viên Đại Diện Vùng được đơn cử vì họ được bầu bởi các Đại Biểu của các CĐ Thành Viên trong vùng mà họ đại diện.  Họ là tiếng nói của các CĐ Thành Viên trong vùng tại HĐQT.  Trách nhiệm của họ là đại diện và phục vụ cho các CĐ Thành Viên mà họ đại diện.  Do đó, chính họ sẽ là cái thắng để cân bằng những việc làm quá đáng của các Ủy Viên Thường Vụ.
  2. b.     Nhiệm kỳ của các Ủy Viên Đại Diện Vùng là 2 năm trong khi nhiệm kỳ của các Ủy Viên Thường Vụ và Giám Sát là 3 năm.  Sự so le giữa hai quãng thời gian 2 và 3 năm tạo ra sự liên tục trong trách nhiệm và hướng phát triển của CĐNVQGHK trong các cuộc bầu cử.

Phần 5: KẾT LUẬN

Thưa quý độc giả, sau khi xem xong các phần trên,  chúng tôi hy vọng quý độc giả có nhận định riêng cá nhân về Bản Hiến Chương mới cũng như cung cách làm việc của Ông Nguyễn Văn Tánh. Nhiệm vụ của Kiến Lửa (Báo Túm) chỉ là gửi phần phỏng vấn vài đại biểu liên quan. Nhận định về bản hiến chương này của Báo Túm, xin quý độc giả đón đọc bài viết của đồng nghiệp Kiến Vàng của  chúng tôi trong số tới!

Ký giả Kiến Lửa

===================================================
Phần 6: Phụ lục, Bản Tường Trình của Ông Nguyễn Ngọc Anh, Ban Tu Chính Hiến Chương
 

Bản Tường Trình
Công Tác Biên Soạn Dự Thảo Tu Chính Hiến Chương CĐNVQGKH.

Phần I: Dự Thảo Tu Chính Hiến Chương 2009

Công việc biên soạn dự thảo tu chính Hiến Chương thực ra đã được khởi sự từ năm 2007, với thành phần nhân sự sơ khởi gồm có:
­        Ông Nguyễn Văn Tần: Trưởng ban
­        Ông Đỗ Đức Chiến: Thành viên
­        Bà Nguyễn Thị Minh Nguyêt: Thành viên
­        Ông Nguyễn Ngọc Anh: Thành Viên.
Sau đó ông Tần mời thêm ông Phạm Văn Thanh và Tiến Sĩ Hà Văn Hải để có thêm nhiều ý kiến hơn.
Sau gần 2 năm, bản Dự Thảo Tu Chính Hiến Chương (2009) hoàn tất và được trình lên Đại Hội Đồng Việt Nam Hoa Kỳ (CĐVNHK) họp tại Dallas, Texas vào năm 2009 để phê chuẩn. Sau khi biểu quyết chấp thuận đề nghị thay đổi danh xưng từ CĐVNHK sang Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ (CĐNVQGHK), Đại Hội tiếp tục thảo luận phần ‘Lời Mở Đầu’. Phần thảo luận kéo dài khá lâu vì phần nầy (giữ nguyên văn của HC 2006) còn nhiều thiếu sót như lỗi chính tả, cách hành văn v.v…cần phải được viết lại cho mạch lạc nên thời gian  không còn bao nhiêu. Vì lẽ đó, Đại Hội quyết định chấm dứt phần thảo luận Dự Thảo Tu Chính Hiến Chương, dành thời giờ để nghe Luật Sư Hoàng Duy Hùng và ông Nguyễn Xuân Hùng thuyết trình về các ưu, khuyết điểm của các mô thức điều hành, hay là sự khác biệt giữa mô thức “Tam Quyền Phân Lập” và mô thức “Công Ty – Corporation”.  Sau cùng, Đại Hội biểu quyết chấp thuận mô thức Công Ty – Corporation, và thành  lập Ban Tu Chính Hiến Chương[1] mới để soạn Dự Thảo Tu Chính Hiến Chương[2] theo mô thức mới, sẽ được trình cho Đại Hộ Thường Niên 2010 cứu xét.
Kết luận: Ngoại trừ phần danh xưng, bản Dự Thảo Tu Chính Hiến Chương (2009) đã không được Đại Hội phê chuẩn.

Phần II: Dự ThảoTu Chính Hiến Chương 2010

“Ban Tu Chính Hiến Chương ” do Đại Hội 2009 chỉ định gồm có:
­        Ông Đỗ Đức Chiến: Trưởng ban.
­        Ông Nguyễn Văn Tần: Thành viên.
­        Ông Phạm Văn Thanh: Thành Viên.
­        Ông Nguyễn Ngọc Anh: Thành viên
­        Luật sư Hoàng Duy Hùng: Đặc trách viết lại “Tu Chính Hiên Chương 2010”
­        Ông Nguyễn Xuân Hùng: Phụ tá ông Hoàng Duy Hùng.
Sau khi làm việc được một thời gian, LS Hoàng Duy Hùng bận vận động tranh cử, ông Đỗ Đức Chiến ngã bịnh bất ngờ nên công việc soạn thảo bị đình trệ. Sau đó, ông Nguyễn Văn Tánh nhờ ông Phạm Văn Thanh tiếp tục công việc đang bị bỏ dỡ. Ông Phạm Văn Thanh nhận lời và đã trình bản “Dự Thảo Tu Chính Hiến Chương” do một mình ông biên soạn lên Đại Hội Thường Niên CĐNVQGHK họp tại Nam California vào năm 2010.
Cũng như lần trước, lần nầy Đại Hội 2010 chỉ có thời giờ lắng nghe ông Phạm Văn Thanh Trình bày chứ không có thời giờ để thảo luận hay phê chuẩn. Sau đó Đại Hội chỉ định quí ông Nguyễn Văn Tần, Phạm Văn Thanh, Nguyễn Xuân Hùng bổ xung Ban TCHC và tiếp tục công tác biên soạn “Dự Thảo Tu Chính Hiến Chương” cho kỳ họp năm 2011.
Kết luận: Sau hai lần cố gắng, các bản Dự Thảo TCHC, vì lý do nầy hay lý do khác, đã không được phê chuẩn.

Phần III: Dự Thảo Tu Chính Hiến Chương  2011.
 
Diễn tiến trước ngày Đại Hội.
 “Ban TCHC 2011” lúc đầu gồm các ông Nguyễn Văn Tần, Phạm Văn Thanh và Nguyễn Xuân Hùng như quí vị đã thấy ở Phần II. Sau đó Ông Nguyễn Văn Tần gọi nhờ tôi tiếp một tay vì chỉ có 3 người, sợ làm không xuể, và tôi đã nhận lời. Do đó thành phần “Ban TCHC 2011” , sau khi được điền khuyết gồm:
­        Ông Nguyễn Văn Tần: Trưởng ban.
­        Ông Phạm Văn Thanh: Thành viên
­        Ông Nguyễn Xuân Hùng: Thành Viên
­        Ông Nguyễn Ngọc Anh: Thành viên.
Ông Nguyễn Xuân Hùng biên soạn bản “Dự Thảo TCHC 2011”, tôi phụ ông để đọc lại và bổ túc những nơi nào cần, đến cuối năm 2010 thì công việc của ông Hùng và tôi hoàn tất.
Bản nháp của DTTCHC 2011 được chuyển đến Ông Phạm Văn Thanh để sửa đổi nếu cần và viết thêm Nội Quy Bầu Cử (Ông Thanh có 02 tháng để hoàn tất). Sau đó Bản nháp nầy được chuyển lên HĐCHTU để thảo luận, sửa đổi và biểu quyết chuyển lên HĐĐD nê’u được thông qua.
Đầu năm 2011, DTTCHC 2011 được HĐCHTU gởi đến HĐĐD. HĐĐD đã chấp thuận đưa ra thảo luận và biểu quyết tại Đại Hội Thường Niên 2011.  Trước Đại Hội Thường Niên 2011, HĐĐD gởi Bản Dự Thảo Tu Chính Hiến Chương 2011 đê’n các Cộng Đồng Thành Viên và dành thời gian 02 tháng để các CDTV đọc, nhận định và góp ý sửa đổi. Thời hạn chấm dứt  góp ý sửa đổi là 15 tha’ng 9 năm 2011, 3 tuần trước ngày Đại Hội.
Cũng trong thời gian nầy, Ban Tổ Chức Đại Hội cho biết chỉ dành 02 giờ cho chương trình Tu Chính Hiến Chương. Nếu nếu các đề nghị sửa đổi trước ngày 15 tháng 9 được sự thảo luận và đồng thuận của B/TCHC và Cộng Đồng Thành Viên đề nghị , thì tại Đại Hội chỉ biểu quyết chứ không thảo luận.

Sau một thời gian dài, chỉ có cộng đồng Oklahoma (ông Trần Văn Hoa) và Michigan (ông Dương Đức Vĩnh) đóng góp ý kiến và đề nghị bổ túc một số điều khoản. Đến tháng 8 với sự góp mặt của quí ông Trần Văn Hoa, bà Huỳnh Thu Lan, ông Dương Đức Vĩnh, BTCHC họp để thảo luận và ghi nhận đề nghị của hai cộng đồng nói trên. Bản DTTCHC, một lần nữa, được đúc kết và gởi đến HĐĐD để thỉnh ý và các cộng đồng thành viên để xin thêm ý kiến, kèm theo hạn định sẽ chấm dứt phần góp ý cho đến ngày 15 tháng 9 2011 để BTCHC có thời gian đúc kết và bổ túc hoàn chỉnh. Đến khi hết kỳ hạn, và sau khi HĐĐD đã chấp thuận đưa DTTCHC 2011 vào nghị trình thảo luận tại Đại Hội Thường Niên sẽ được tổ chức tại Orlando vào các ngày 7, 8 và 9 tháng 10 năm 2011 để phê chuẩn, bất ngờ chúng tôi nhận được một số điện thư phê bình, cho rằng mô thức Corporation không giống chút nào mô thức “tam quyền phân lập”. Một số khác đề nghị thay đổi/bổ khuyết một số điều khoản.
Đúng ra, khi đã hết thời hạn góp ý kiến, chúng tôi không có bổn phận phải quay trở lại để làm công việc bổ túc, nhất là phải “viết lại” cho hợp ý một vài người. Nhưng không rõ vì lý do gì, ông Nguyễn văn Tần đã triệu tập phiên họp bất thường của BTCHC (ông không có mặt vì bị bệnh bất ngờ) để thảo luận một số đề nghị của ông Lưu Văn Tươi, chủ tịch CĐVN/FL. Sau 3 giờ thảo luận, những người có mặt trong phiên họp mới nhận ra rằng mình đã tổ chức một buổi họp không đúng nguyên tắc. Không cách nào thay đổi/bổ túc kịp vì nếu DTTCHC sửa đổi thì phải được HĐĐD chấp thuận nguyên văn rồi mới đưa ra Đại Hội. 
Diến tiến trong ngày Đại Hội:

Phần thảo luận DTTCHC 2011 dự trù sẽ kéo dài từ 2 đến 5 giờ chiều ngày Thứ Bảy 8 tháng 10, nhưng vì có nhu cầu bất ngờ liên quan đến việc chọn địa phương tổ chức Đại Hội Cộng Đồng NVQGHK năm 2012 nên phần thảo luận DTTCHC 2011 bị dời đến 3 giờ cùng ngày.
Sau phần giới thiệu tổng quát, BS Đỗ Văn Hội nhường micro cho điều hợp viên của buổi thảo luận DTTCHC,  ông Nguyễn Ngọc Tiên.
Các ông Nguyễn Ngọc Anh, Dương Đức Vĩnh được mời lên bàn dành cho BTCHC. Ông Nguyễn Văn Tần, trưởng BTCHC, vì phải ngồi trên bàn của Chủ Tọa Đoàn (CTĐ), đã chỉ định ông Nguyễn Ngọc Anh thay ông trình bày tổng quát nội dung và diễn tiến công việc soạn thảo DTTCHC 2011; ông Dương Đức Vĩnh phụ giúp ông Nguyễn Ngọc Anh trong việc đọc các điều khoản của DTTCHC.
Nếu đúng theo đúng Nội dung chương trình thảo luận đã được Ban Tổ Chức Đại Hội tuyên đọc trước đó, ông Nguyễn Ngọc Anh sẽ bắt đầu buổi thảo luận với phần  tường trình diễn tiến công tác TCHC và thuyết trình về các Điều Khoản trong Dự Thảo Tu Chính. Sau đó các đại biểu sẽ thảo luận, góp ý kiến và quyết định chấp thuận hay bác bỏ từng điều khoản hoặc toàn văn bản DTTCHC.
Tuy nhiên, trước khi ông Nguyễn Ngọc Anh có cơ hội trình bày phần của mình, ông Lưu Văn Tươi chủ tịch CĐVN/FL và là TBTC, CTĐ gồm ông Nguyễn Văn Tánh chủ tịch HĐĐB và Bác Sĩ Võ Đình Hữu chủ tịch HĐGS, đã thay phiên nhau chỉ trích BTCHC đã “làm sai quyết định của các Đại Hội 2009, 2010”, phê bình DTTCHC 2011 quá dài nên không ai có thời giờ đọc do đó không thể hiểu, rằng DTTCHC 2011 không có điểm nào giống Hiến Chương 2006, rằng những người viết DTTCHC 2011 có âm mưu thay đổi toàn diện cơ cấu điều hành CĐNVQGHK để nhằm vào mục đích xin funds (cho ai thì không thấy những vị nầy đề cập đến), rằng DTTCHC 2011 “vi hiến”, “bất hợp pháp” không thể nào chấp nhận được v.v.

Những ý kiến phê phán nội dung bản DTTCHC kéo dài đến quá giờ Hội Thảo. Cuối cùng nhiều Đại biểu thấy không thể thảo luận hay thông qua bản dự thảo nên đã bỏ phiếu không tiếp tục thảo luận Bản DTTCHC đã đưa ra và HĐĐD sẽ nghiên cứu về việc tu chính sau. (cuộc bỏ phiếu kết quả 39 NGƯNG tiếp tục thảo luận / 4 phiếu KHÔNG ĐỒNG Ý NGƯNG).
Phần thảo luận về Tu Chính Hiến Chương chấm dứt lúc 8:00pm ngày 8 tháng 10 năm 2011. Ban TCHC chúng tôi xin tường trình trước các Cộng đồng Thành Viên về công tác đã thực hiện trong thời gian qua và xin được công bố chấm dứt công tác Tu Chính Hiến Chương do quý vị giao phó.
Trân trọng
Đại diện Ban TCHC
Nguyễn Ngọc Anh


[1] Đúng ra phải đề nghị đổi cả tên cũ là “Ban Tu Chính Hiến Chương thành “Ban Biên soạn Dự Thảo Hiến Chương”
[2] Đúng ra phải là “Dự Thảo Hiến Chương”, vì không có sự tương đồng giữa 2 mô thức nên không thể  “tu chính” được. Nhưng có lẽ vì vội vã, cộng thêm với sự hiểu biết thiếu tường tận về sự khác biệt giữa hai mô thức nên sau khi biểu quyết chấp thuận thì mọi người vui vẻ ra về. Không ai đưa ra thêm thắc mắc hay đề nghị gì, mà ngay cả “Ban Tu Chính Hiến Chương” cũng không chú ý vì tin rằng các đại biểu về tham dự và bỏ phiếu cho việc thay đổi này không chối bỏ quyết định trong Đại Hội.


[[1]]    Trích email của ông Phạm Văn Thanh Sunday, August 16, 2009, 11:58 PM: “Thay đổi về Cơ Cấu Tổ Chức:  Chấp thuận xử dụng Cơ Cấu Tổ Chức của một Corporation hoặc Non-profit Organization, chỉ gồm có Board of Directors và President (Chấp Hành) để tu chính Hiến Chương một cách thích hợp, dựa theo cơ cấu tổ chức này, và chỉ bắt đầu áp dụng từ cuộc Đại Hội Bầu Cử nhiệm kỳ sau 2012-2015.”
[[2]] Xin đọc Bản tường trình của tôi để biết thêm chi tiết (attachment)

This entry was posted in Báo Túm. Bookmark the permalink.

Leave a comment